Chỉnh sửa đáp án tuyển sinh lớp 10 ở Quảng Nam: Rắc rối vì một... từ láy

Chỉnh sửa đáp án tuyển sinh lớp 10 ở Quảng Nam: Rắc rối vì một... từ láy

13/07/2008 22:24 GMT+7

Dù nhiều trường THPT ở Quảng Nam đã công bố kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2008-2009, nhưng dư luận vẫn còn âm ỉ xung quanh việc thay đổi đáp án môn Ngữ văn.

Chiền chiện - láy hay không láy?

Một độc giả ở Quảng Nam đã gửi đến Báo Thanh Niên ý kiến xung quanh đáp án môn Ngữ văn. Ở phần trắc nghiệm, câu số 5 đề ra như sau: "Trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, từ nào sau đây không phải là từ láy? A. Long lanh, B. Hối hả, C. Xôn xao, D. Chiền chiện". Đáp án đưa ra là D. Chiền chiện. Ngay sau đó, đã có ý kiến phản ứng cho rằng cả 4 từ đều là từ láy. Ngày 18.6, chỉ 2 ngày sau khi kỳ thi kết thúc, Sở GD-ĐT Quảng Nam tổ chức một phiên họp về thống nhất đáp án, thành phần gồm các phó chủ tịch bộ môn, thanh tra, người triển khai đáp án... và biên bản ghi lại vẫn khẳng định đáp án ban đầu là đúng ("chiền chiện" không phải là từ láy). 

Tuy nhiên, ý kiến phản biện vẫn tiếp tục nảy sinh khiến lãnh đạo Sở GD-ĐT lại phải chọn một phương án được cho là "có lợi cho thí sinh". Nếu bảng hướng dẫn chấm ban đầu cho phần trắc nghiệm này là chỉ chọn D. Chiền chiện, thì phương án cuối đưa ra lại là... bất kỳ thí sinh nào cũng được 0,5 điểm ở câu đó (!). Theo ông Trương Văn Quang - chuyên viên Phòng Giáo dục trung học, người trực tiếp ra đề thi và đáp án - trên thực tế các giám khảo khi chấm câu này đã tính xác suất có đến 90% thí sinh trả lời đúng theo đáp án cũ, 10% thí sinh chọn sai. Ông Quang thừa nhận đã có áp lực về dư luận trong thời điểm đó, và vì thế một phương án đúng (ban đầu) tiếp tục được thẩm định đúng lại phải thay bằng phương án không đúng - không sai. Trao đổi với chúng tôi, ông Quang đã tự nhận phần trách nhiệm chính về phía cá nhân mình.

Sáng 9.7, ông Nguyễn Tấn Thắng, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam, cũng có phản hồi tương tự: "Đã có trục trặc trong vụ việc này, nhất là với xu hướng mở trong đáp án môn Ngữ văn, gây ra nhiều luồng ý kiến khác nhau. Tôn trọng thông tin phản hồi đó, chúng tôi xin ý kiến từ Bộ GD-ĐT và được cho phép chọn phương án có lợi cho thí sinh". Khẳng định đáp án ban đầu của ban ra đề thi vẫn đúng, nhưng theo ông Thắng, sự thay đổi vào giờ chót là một sự bất đắc dĩ, và đó là sự "bổ sung đáp án" chứ không phải là "thay đổi đáp án". "Đây là kinh nghiệm cho chúng tôi trong những mùa tuyển sinh sau, nhất là với môn Ngữ văn chỉ nên chọn cách ra đề và đáp án đóng" - ông Nguyễn Tấn Thắng nói.

Mặc dù vậy, cho đến nay vẫn còn những dư luận khác nhau về cách giải quyết này. Có ý kiến cho rằng ban ra đề thi đã "không suy nghĩ trước khi chọn câu hỏi". Lại có ý kiến chê trách những người làm chuyên môn đã không quyết liệt bảo vệ chính kiến của mình. 

"Vai" đúng hay "tay" đúng?

Thêm một dẫn chứng là ở phần tự luận, cũng môn Ngữ văn, khi xác định từ nào được dùng theo nghĩa chuyển ("vai", "miệng", "chân", "tay") ở đoạn thơ trong bài Đồng chí của Chính Hữu. Đáp áp chỉ đưa ra lựa chọn từ "vai" là đúng, được 0,5 điểm; tuy nhiên khi chấm thi, các giám khảo lại đề xuất và được hướng dẫn là nên chấm theo phương án mở, nếu ghi đúng từ "vai" mà lại chọn thêm từ "tay" thì vẫn có điểm, nhưng bị trừ bớt 0,25 điểm. 

Đã có nhiều tranh luận tương tự xung quanh đáp án sau mỗi kỳ thi (như Thanh Niên đã phản ánh). Sự cố tại Quảng Nam càng đặt trách nhiệm nặng nề hơn cho những người tham gia ra đề thi và cả những quyết định chỉnh sửa sau đó, bởi điều đó sẽ ảnh hưởng đến 29.000 thí sinh.

Hứa Xuyên Huỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.