Chính trị gia gây tranh cãi vì đòi cấm phim Hàn ở Philippines

22/10/2022 18:38 GMT+7

Theo The Manila Times hôm 20.10, mới đây, thượng nghị sĩ Jinggoy Estrada bày tỏ sự quan ngại khi phim Hàn ngày càng phổ biến tại Philippines, lấn át các tác phẩm trong nước. Ông mong muốn cấm các tác phẩm từ xứ kim chi song vấp phải nhiều tranh cãi.

Phát biểu tại một cuộc họp hôm 18.10, thượng nghị sĩ Jinggoy Estrada tuyên bố ông muốn cấm các bộ phim truyền hình Hàn Quốc (K-drama) chiếu tại Philippines vì chúng đe dọa đến các chương trình được sản xuất trong nước. “Từ những gì tôi quan sát được, chúng ta tiếp tục chiếu phim truyền hình Hàn Quốc và người dân thần tượng các diễn viên Hàn Quốc trong khi các nghệ sĩ trong nước đang dần mất việc. Vì vậy, đôi khi tôi nghĩ đến việc cấm những bộ phim này cũng như các chương trình nước ngoài để các nghệ sĩ của chúng ta có nhiều cơ hội tỏa sáng”, The Manila Times dẫn lời chính trị gia này.

Ông Jinggoy Estrada hứng nhiều chỉ trích vì phát ngôn muốn cấm phim Hàn tại Philippines

Poster phim, chụp màn hình

Khi ông Jinggoy Estrada đưa ra phát ngôn như trên, công chúng Philippines đã đưa ra nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh những bình luận thể hiện sự đồng tình, nhiều người lên tiếng phản đối tuyên bố của thượng nghị sĩ này. Một trong số những người công khai phản bác lại ý kiến của ông Estrada là thống đốc Juanito Victor Remulla.

Vị này giải thích trong một bài đăng Twitter: “Vào thời điểm cao điểm của đại dịch Covid-19, khi hầu hết chúng ta bị mắc kẹt trong nhà, phim và âm nhạc Hàn Quốc đã mang lại cho nhiều người Philippines hy vọng và nguồn cảm hứng. Người Hàn cũng là một trong những nhóm khách du lịch hàng đầu đến Philippines. Họ yêu đất nước của chúng ta trong khi chúng ta yêu họ vì nền giải trí đẳng cấp thế giới”. Ông Remulla lập luận: “Không có ranh giới nào trong văn hóa đại chúng. Hãy học hỏi và lấy cảm hứng từ những gì mà người Hàn Quốc đã đạt được. Mọi người nên được tự do lựa chọn nội dung giải trí mà họ muốn thay vì bị hạn chế bởi lệnh cấm. Điều cần thiết hiện tại là hãy suy nghĩ cởi mở hơn”.

Nhiều dân mạng Philippines cũng lên tiếng phản đối việc cấm chiếu phim Hàn Quốc tại nước họ. Không ít ý kiến cho rằng K-drama là thứ giúp giải tỏa căng thẳng tinh thần và đem đến những trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn. "Tôi ủng hộ việc quảng bá, đón nhận các dự án phim ảnh của Philippines nhưng việc cấm phim Hàn không giải quyết được vấn đề gì của ngành điện ảnh trong nước”, một tài khoản viết trên Twitter. Một người khác bày tỏ: “Ông ấy có đang thực sự nghiêm túc không? Hãy tìm hiểu lý do tại sao các chương trình của chúng ta không thu hút được khán giả như các bộ phim Hàn thay vì cấm đoán”.

Trước những ý kiến chỉ trích, Jinggoy Estrada đã giải thích trên trang cá nhân rằng ông đưa ra tuyên bố kể trên vì quá thất vọng. “Những gì tôi đã phát ngôn vào ngày 18.10 xuất phát từ sự thất vọng khi mọi người chỉ háo hức và đón nhận những sản phẩm của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc. Tôi buồn vì nền công nghiệp giải trí của chúng ta dần lao dốc vì thiếu sự ủng hộ từ công chúng trong nước”, vị này phân trần.

Ông Estrada tiếp tục: “Tôi không có ý bác bỏ những thành công của Hàn Quốc trong lĩnh vực giải trí và phải thừa nhận rằng chúng ta có nhiều điều cần học hỏi từ họ. Nhưng chúng ta đừng quên các tác phẩm của những nghệ sĩ Philippines. Thành công phi thường của Hàn Quốc bắt nguồn từ lòng yêu nước, đã đến lúc chúng ta noi gương họ và làm điều tương tự cho nền công nghiệp giải trí đang phát triển của chúng ta”.

Các bộ phim Hàn ngày càng có sức hút đối với khán giả quốc tế

Netflix

Không chỉ ở Philippines hay các quốc gia châu Á, các bộ phim Hàn Quốc ngày càng nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ khán giả quốc tế nhờ sự bùng nổ của các dịch vụ VOD (video theo yêu cầu) toàn cầu như Netflix. Từ năm 2021 đến nay, nhiều bộ phim Hàn như: Trò chơi con mực (Squid game), The Silent Sea, Hellbound… liên tục gây tiếng vang tại thị trường quốc tế. Nhận thấy tiềm năng từ thị trường sản xuất này, năm ngoái, Netflix từng tuyên bố chi gần 500 triệu USD để các nhà làm phim xứ củ sâm làm ra các bộ phim độc quyền cho hãng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.