(TNO) Một nữ chính trị gia Thụy Điển mới đây đề xuất bố trí một khẩu súng máy trên cây cầu nối Đan Mạch và Thụy Điển để ngăn người tị nạn; phát ngôn của bà tạo nên làn sóng giận dữ tại nước này.
Dòng người tị nạn vẫn đang đổ về châu Âu mặc cho các nước EU vẫn chưa thống nhất được về việc tiếp nhận những người này - Ảnh: Reuters
|
Bà Gunilla Schmidt, thành viên cánh hữu của đảng Dân chủ Thụy Điển, đã đăng trên Facebook rằng nên bố trí một khẩu súng máy tại cầu Oresund, nối eo biển giữa Thụy Điển với Đan Mạch, để ngăn dòng người tị nạn tràn vào, theo Sputnik ngày 10.9.
Đảng Dân chủ Thụy Điển coi dòng người tị nạn đang kéo đến là mối đe dọa cho an ninh quốc gia của Thụy Điển, theo trang web LifeNews.ru. Bà Schmidt cho rằng việc Thụy Điển không giảm mức trợ cấp thất nghiệp xuống như Đức và Đan Mạch là lý do khiến cho người tị nạn muốn kéo đến.
Một số người trên Facebook đọc được phát ngôn này và yêu cầu bà Schmidt làm rõ. Bà đáp lại rằng: “Ông có ngốc không?”.
Khi phóng viên của tờ Evening Post hỏi về phát ngôn trên Facebook, bà Schmidt nói rằng đó chỉ là hành động điên rồ nhất thời. Nữ chính trị gia này đã gỡ dòng trạng thái trên ngay sau đó và nói lời xin lỗi.
Trước đó ngày 9.9, cảnh sát Đan Mạch đã chặn đường cao tốc và đường sắt nối với Đức để ngăn dòng người tị nạn hướng về Thụy Điển, theo Reuters. Đa số người tị nạn từ Trung Đông và châu Phi muốn tới Đức và Thụy Điển, hai quốc gia có chính sách khá rộng mở về việc tiếp nhận người tị nạn so với các nước EU khác. Những người tị nạn từ Đức muốn đến Thụy Điển phải đi qua Đan Mạch và không muốn dừng lại xin tị nạn ở Đan Mạch do chính phủ nước này cắt giảm phúc lợi xã hội.
Cuộc khủng hoảng tị nạn tại châu Âu đang trở thành vấn đề nhức nhối. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), ông Jean-Claude Juncker mới đây ngỏ ý rằng EU có thể tiếp nhận 160.000 người tị nạn từ Trung Đông và châu Phi trong 2 năm tới. Theo đó, Đức sẽ nhận 34.000, Pháp 24.000 và Tây Ban Nha 15.000 người.
Sputnik dẫn những dữ liệu gần đây cho hay có khoảng 350.000 người di cư đến châu Âu kể từ đầu năm 2015. EC gọi đây là cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất kể từ Thế chiến thứ 2.
Bình luận (0)