Ai giám sát thu phí BOT ?

15/05/2016 05:19 GMT+7

Câu chuyện một cổ đông của dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ tố cáo công ty thiếu minh bạch trong công bố thông tin thu phí phần nào hé lộ góc khuất của việc thu phí BOT hiện nay.

Tham gia đầu tư dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ với tư cách một trong những cổ đông sáng lập, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) nắm 18% vốn trong Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (MPC), 2 nhà đầu tư còn lại là Phương Thành 17% và Minh Phát 65%. Tuy nhiên, lãnh đạo Cienco 1 cho biết không được cung cấp đầy đủ và minh bạch thông tin về kết quả thu phí, dù là thành viên HĐQT và đã nhiều lần có văn bản gửi đến Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đề nghị phối hợp tổ kiểm tra thu phí tại dự án nhằm minh bạch về tài chính nhưng không được chấp thuận.
Ngăn cản lắp phần mềm đếm xe
Theo Cienco 1, việc thu phí tại dự án có nhiều điểm chưa hợp lý. Cụ thể, tuyến đường có mật độ phương tiện cao, doanh thu phí hằng tháng trung bình 35 tỉ đồng, đặc biệt tháng 2.2016 là tháng Tết Nguyên đán, phương tiện đông hơn nhưng lượng phí thu được lại thấp hơn những tháng bình thường. Để tự giám sát, Cienco 1 ký hợp đồng với một doanh nghiệp xây dựng phần mềm nhằm lắp đặt thiết bị giám sát lưu lượng xe, tự động nhận diện biển số, chủng loại xe (kết nối dữ liệu của Cục Đăng kiểm VN), từ đó tự động tính ra số tiền thu về hằng ngày. Thế nhưng, khi đem hệ thống này ra lắp đặt thì bị ngăn cản.
Trước việc cổ đông tố cáo công ty khuất tất, thiếu minh bạch, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN kiểm tra việc thu phí tại dự án. Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho hay qua kiểm tra, MPC đảm bảo công khai, minh bạch trong giấy tờ, doanh thu. Ông Huyện cũng cho rằng, việc tố cáo là nội bộ của nhà đầu tư, tổng cục không can thiệp. Trường hợp không đồng thuận được Cienco 1 có quyền đưa đơn kiện ra tòa.
Thu kiểu xé vé đếm tiền như hiện nay vẫn có thể xảy ra hiện tượng ăn gian của nhân viên thu vé, hoặc gian lận khi chuyển từ nhân viên về công ty, từ công ty về ngân hàng... Chỉ khi thu phí không dừng, tiền thu được vào tài khoản ngân hàng thì mới minh bạch được số liệu
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN
Đại diện Cienco 1 vẫn bảo lưu quan điểm nghi ngờ việc thu phí thiếu minh bạch khi “một cổ đông sáng lập lại không được tiếp cận số liệu, không được kiểm tra, giám sát”. “Cienco 1 vẫn sẽ lắp đặt camera để tự giám sát nội bộ. Đây là vấn đề minh bạch giữa các nhà đầu tư, cũng như để trả lời cho các cổ đông trong chính Cienco 1. Chúng tôi là thành viên HĐQT mà không được tiếp cận hồ sơ thì ai được tiếp cận”, đại diện Cienco 1 đặt vấn đề.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, hợp đồng BOT dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ nêu cuối mỗi quý MPC phải có báo cáo chi tiết về doanh thu phí bao gồm lưu lượng xe, chủng loại xe từng ngày với Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT. Nhưng việc báo cáo thường chỉ đưa ra số liệu chung chung về doanh thu, ngay cả với cổ đông sáng lập công ty. Về vấn đề này, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty MPC, nói số liệu chi tiết “các bộ phận bên dưới” công ty sẽ nắm được, nhưng bản thân thành viên HĐQT cũng chỉ nắm các số liệu khái quát. Theo ông Khôi, Cienco 1 có thể tự thực hiện việc đếm xe, từ hôm nay (15.5), MPC sẽ áp dụng thu phí không dừng.
“Xé vé đếm tiền” dễ gian lận
Khi cổ đông công ty cũng không tin vào sự trung thực trong con số công bố, câu hỏi đặt ra là ai sẽ giám sát việc thu phí để biết nhà đầu tư có trung thực trong thu phí hay không, qua đó xác định doanh thu phí của nhà đầu tư và tính toán lại thời hạn thu phí?
Hiện tại, các dự án BOT giao thông trên quốc lộ đều được Bộ GTVT quyết định từ xây dựng đề xuất các dự án, lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định, phê duyệt và công bố, ký kết hợp đồng, quản lý, triển khai xây dựng, xây dựng phương án tài chính bao gồm mức thu phí hoàn vốn và thời gian hoàn vốn của từng dự án. Về nguyên tắc, 6 tháng sau khi dự án hoàn thành, nhà đầu tư sẽ phải quyết toán lại dự án, căn cứ vào tổng mức đầu tư đã được quyết toán mới tính ra thời hạn thu hồi vốn chính thức (có thể rút ngắn hơn vài năm so với thời gian thu phí dự toán trong hợp đồng BOT ban đầu). Tuy nhiên, những gì mà người dân được biết đến nay vẫn chỉ là thời gian thu phí hoàn vốn (tạm tính) ban đầu của các dự án, mà không hề được biết tổng mức đầu tư chính thức của từng dự án, cũng như thời hạn thu phí thực tế, mức thu và lộ trình tăng phí…
Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, việc không minh bạch từ nội bộ với nhau cho thấy sự thiếu minh bạch của nhà đầu tư dự án. “Từ câu chuyện ở Pháp Vân - Cầu Giẽ, sự thiếu minh bạch trong thu phí phải đặt ra với nhiều dự án BOT khác. Vấn đề về phí do Bộ Tài chính quản lý, nhưng với tư cách được giao ký hợp đồng BOT với nhà đầu tư, Bộ GTVT cần giao cho một cơ quan song song với giám sát việc thực hiện hợp đồng là giám sát thu phí thông qua phần mềm, tùy theo lượng thu phí nhiều hay ít để tính toán rút ngắn hay kéo dài thời hạn thu phí cho hợp lý”, ông Sanh đề xuất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, bày tỏ không thực sự tin vào sự minh bạch trong thu phí. “Thu kiểu xé vé đếm tiền như hiện nay vẫn có thể xảy ra hiện tượng ăn gian của nhân viên thu vé, hoặc gian lận khi chuyển từ nhân viên về công ty, từ công ty về ngân hàng… Chỉ khi thu phí không dừng, tiền thu được vào tài khoản ngân hàng thì mới minh bạch được số liệu”, ông Thanh nói và cho biết đã nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT yêu cầu các nhà đầu tư phải có biển công khai các thông số của dự án để người dân giám sát.
Ảnh: Mai Hà
       
Phần mềm giám sát mới chỉ là... đề án
Liên quan đến những tố cáo khuất tất trong vấn đề thu phí BOT, PV Thanh Niên đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường (ảnh).
Từ câu chuyện nội bộ tố cáo lẫn nhau tại dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, người dân đang đặt dấu hỏi về vấn đề minh bạch thu phí BOT hiện nay. Xin ông cho biết vai trò giám sát của Bộ GTVT như thế nào trong việc thu phí tại các trạm BOT?
Bộ GTVT đã giao cho Tổng cục Đường bộ kiểm tra việc thu phí tại Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, kết luận kiểm tra cho thấy công ty này thu phí bài bản, báo cáo tài chính minh bạch với cổ đông, ngân hàng. Việc Cienco 1 có ý kiến thì bộ cho rằng thành viên trong HĐQT có quyền đấu tranh đến cùng, có thể mời tư vấn độc lập, dùng pháp luật để ràng buộc lẫn nhau. Bộ không can thiệp vì đây là chuyện nội bộ doanh nghiệp phải tự xử lý, cần thiết thì khiếu nại đến cơ quan cao nhất. Nhà đầu tư có trách nhiệm báo cáo doanh thu lên Bộ. Nói không minh bạch là không chính xác vì ngân hàng là đơn vị cho vay vốn luôn kiểm tra, giám sát trên sổ sách để đảm bảo khả năng thu hồi vốn.
Nhiều ý kiến cho rằng Bộ GTVT phải giám sát nhà đầu tư bằng phần mềm riêng, không thể thả nổi cho nhà đầu tư. Bộ đã tính tới điều này chưa, thưa ông?
Bộ đang giao cho Tổng cục Đường bộ xây dựng phần mềm kết nối hệ thống thu phí tại các trạm BOT, phần mềm điện tử này sẽ hoạt động tương tự hệ thống giám sát hành trình. Cụ thể sẽ gắn chip tại các trạm thu phí, truyền dữ liệu về hệ thống trung tâm của tổng cục gồm cả lưu lượng xe, chủng loại xe, tiền phí… Như vậy, 45 trạm thu phí đang hoạt động như thế nào đều sẽ giám sát được để minh bạch mức phí, doanh thu thu phí, tính toán thời hạn thu phí. Tuy nhiên, đây mới chỉ đang là đề án.
Trong lúc đề án đang được xây dựng, Bộ GTVT có lo ngại tình trạng thất thoát trong thu phí BOT hiện nay mà nhà nước không kiểm soát được?
Không có chuyện thất thoát phí được, trước đây thu phí 2 dừng thì có thể thất thoát phí, nhưng tới đây khi triển khai thu phí một dừng, ngân hàng giám sát thu phí thì không thất thoát được.
Mai Hà (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.