Những vụ lừa xin việc không chỉ khiến các nạn nhân mất tiền mà còn dẫn đến các bi kịch khác cùng hậu quả xã hội khôn lường.
3 siêu lừa “chạy việc” Châu, Yến, Thủy - Ảnh: Nguyễn Tú |
Bi kịch nối tiếp
Tháng 3, TAND Q.Thanh Khê (TP.Đà Nẵng) tuyên phạt Nguyễn Thị Yến (36 tuổi, ngụ xã Bình Nguyên, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) 9 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ai cũng tiếc cho một nhan sắc mặn mà, học hành bài bản nhưng trượt dài sau vấp ngã đầu đời.
|
Tốt nghiệp ĐH Kinh tế Đà Nẵng, Yến thất nghiệp nhiều năm, cộng với cuộc hôn nhân tan vỡ quá sớm để lại đứa con nhỏ khiến Yến chán nản. Tháng 7.2012, Yến gửi con 5 tuổi cho cha mẹ rồi ra Đà Nẵng quyết lập nghiệp.
Nhưng hành trình khởi nghiệp ở tuổi 32 có lẽ quá muộn màng cho bà mẹ một con. Không ai tuyển dụng, một lần nữa Yến buông xuôi, dùng dáng vẻ “sang chảnh”, tự xưng kế toán trưởng Sở Xây dựng có quyền lực tài chính, quan hệ rộng với lãnh đạo, có thể “chạy” các suất biên chế từ 40 đến 150 triệu đồng. 6 sinh viên cùng xóm trọ, đồng hương, bị Yến lừa chiếm đoạt gần 500 triệu đồng.
Không dừng lại, tháng 11.2014, Yến lừa Hà Thị Thúy Hoa (24 tuổi, ngụ H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) 50 triệu đồng cho suất kế toán Sở KH-ĐT. Thương em, xót của và bị Yến thách thức, Hà Thị Thúy Thoa (30 tuổi, chị Hoa) dẫn em cùng 4 trai làng ra Đà Nẵng dọn sạch đồ trong phòng Yến trị giá 25 triệu đồng để siết nợ. Hậu quả, TAND Q.Thanh Khê tuyên phạt Thoa 9 tháng tù, Hoa cùng 3 thanh niên khác cùng lãnh 6 tháng tù và người còn lại nhận 6 tháng tù treo cùng tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.
Bị hại cũng có lỗi
Một cán bộ dỏm khác cũng vừa bị TAND TP.Đà Nẵng tuyên phạt 7 năm tù cùng tội trạng là Trần Thị Kim Châu (39 tuổi, ngụ K26/19 Điện Biên Phủ, Q.Thanh Khê). Với miếng mồi biên chế, Châu chiếm đoạt gần 700 triệu đồng của 21 người “chạy” việc.
Người nhiều nhất đến 167,5 triệu đồng cho suất Cảnh sát môi trường Công an Q.Ngũ Hành Sơn. Các bị hại gặp Châu bán bánh mì, trái cây ở chợ mới vỡ mộng siêu lừa chỉ là bà hàng rong chứ không phải cán bộ cao cấp.
Còn các nạn nhân của Ngô Lê Thị Thủy (29 tuổi, ngụ đường Nguyễn Nhàn, Q.Cẩm Lệ) thì thừa biết cô là công nhân vệ sinh Xí nghiệp Môi trường Hòa Vang lương tháng 3 triệu đồng, nhưng vẫn bị sập bẫy lừa xin việc. Cuối tháng 3, TAND TP.Đà Nẵng tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung do nghi vấn Thủy còn đồng phạm mạo danh công an, bác sĩ tiếp tay lừa 2,605 tỉ đồng của 13 người.
Chị lao công có tài “chạy” việc này hét giá suất kế toán Công ty Môi trường đô thị từ 50 - 80 triệu đồng; Công ty Cấp nước 120 triệu đồng; kế toán các bệnh viện từ 120 - 150 triệu đồng. Với ngành công an, Thủy “làm luật” mỗi suất đi nghĩa vụ 190 triệu đồng; học cử tuyển 300 triệu đồng; vào Phòng hậu cần, Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động giá 250 triệu đồng; Phòng Cảnh sát Môi trường giá 310 triệu đồng; học hoặc làm ở trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân giá 260 - 400 triệu đồng.
Thủy làm giả hợp đồng đưa cho nạn nhân ký rồi trả lương tháng cho bị hại bằng chính tiền “chạy” việc của họ, nhằm được giới thiệu thêm nhiều người dính vào bẫy chạy việc do Thủy giăng ra.
Luật sư Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Luật Hoa Tiêu (Đà Nẵng) nhận định: Hai năm qua nạn lừa xin việc nở rộ. Ngoài nguyên nhân đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội, thì tội phạm có dấu hiệu “nhờn thuốc” do xử lý còn nhập nhằng giữa dân sự và hình sự. Với đặc thù hình thức phạm tội người xin việc và nhận việc không gặp nhau, thời gian kéo dài nên đối tượng tự tin có thể “xoay” được, đến khi bị ngăn chặn thì đã lừa rất nhiều người.
Bình luận (0)