Trong phiên toà xét xử vụ án tử vong sau khi cự cãi với cảnh sát giao thông (CSGT), bà Thảo - vợ nạn nhân cùng hai đứa con trai đến với khăn tang đội trắng đầu, tay ôm di ảnh người chồng mất sau một đêm rời nhà.
Hai đứa con trai của người bị hại đeo tang trong phiên tòa - Ảnh: Bùi Thư |
Phiên toà ngập kín người, dãy hàng ghế người bị hại hơn một nửa là bạn bè ông Chín đến để tham dự. Giám đốc công ty nơi ông Chín làm việc đã cho mọi người nghỉ để dự vụ án cướp đi sinh mạng một người đồng nghiệp, một người bạn của họ.
Hơn ba tiếng đồng hồ xét xử, 4 bị cáo đều tố chính nguyên thượng úy CSGT Phạm Sỹ Hoài Như đã nhờ đến họ "đánh dằn mặt" ông Chín. Nhưng Như lại phủ nhận tất cả. Sự quẩn quanh trong lời nói của 5 con người đứng trước vành móng ngựa khiến người xem phải lắc đầu ngao ngán.
Bị cáo, nguyên cảnh sát đã từng mặc quân phục để phục vụ nhân dân khẳng định chỉ gọi Chung - một người bạn xã hội đến để thuyết phục ông Chín ký tên vào biên bản. Khi tòa hỏi bị cáo có trợ cấp gì cho gia đình bị hơn một năm qua không thì Như cúi đầu lẳng lặng kêu không. Nhưng luật sư bên nguyên kể lại trước tòa bố của Như - ông cụ gần 80 tuổi đã đến trước gia đình và vong linh ông Chín để tạ tội.
Như giải thích việc làm đó chỉ là cảm giác tội lỗi khi một người đã chết chứ anh hoàn toàn vô can: "Bị cáo không quen anh Chín thì việc gì phải đánh chết người".
Cả phiên toà im lặng, người ta xuýt xoa, thương cho ông cụ đã lặn lội đến thắp nhang cho người đã chết mà chạnh lòng nhìn người đàn ông áo sơ mi trắng phẳng phiu đứng trước vành móng ngựa.
Bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như, nguyên thượng úy CSGT trước vành móng ngựa
|
Nguyễn Minh Chung, người được Như gọi đến với trình độ học thức chưa quá lớp 11, có tiền án cướp giật tài sản khai rằng chỉ nói cho ông Chín hiểu đã vi phạm luật giao thông thôi chứ không có ý đánh người: "Lúc đó anh Chín say và lên tiếng quát nên bị cáo không nói gì nữa rồi bỏ đi. Vô tình trông thấy vụ quẹt xe và chạy ra đỡ nên lúc Hạnh, Vương, Vững đánh anh Chín bị cáo không chứng kiến".
Ngô Thành Vương, người đánh ông Chín đầu tiên trả lời: "Bị cáo dùng chỏ phải đánh vào mặt, đá vào hông ông Chín rồi bỏ đi nên không biết nạn nhân có ngã xuống không".
Phạm Thanh Kim Hạnh, người "tiếp" ông Chín sau Vương thuật lại: "Bị cáo đánh vào mặt trái, ông Chín ngã xuống đất, bị cáo đánh tiếp vào bên hông sườn nhưng chỉ mấy giây thôi..."
Người cuối cùng trực tiếp đánh là Trần Đức Vững, Vững nhớ lại: "Bị cáo đạp vào bụng ông Chín rồi người dân tới nên bỏ đi liền". Trước chất vấn của chủ tọa, bốn bị cáo Chung, Hạnh, Vương, Vững đều thừa nhận tội danh ‘cố ý gây thương tích’.
Chỉ mấy giây trong một cuộc đập đánh, một người đàn ông khỏe mạnh ngã chết vì vỡ ruột non. Không khí trong phòng chùng xuống, tiếng người giám định pháp y rành mạch: “Chưa ai hỏi tôi đánh vỡ ruột non có gây chết không thì hôm nay, tại phiên tòa này tôi khẳng định là có”. Có vài tiếng ồ lên kinh ngạc, câu hỏi của hai luật sư bên bị cáo về tỉ lệ phẫu thuật dẫn đến tử vong tắt lịm.
Chủ tọa cho gia đình ông Chín bày tỏ nguyện vọng, bà Thảo đã xin được nói với bị cáo Như. Nhưng căn bệnh thoát vị đĩa đệm khiến bà không còn đứng vững trước người đã cự cãi với chồng mình. Bà xin chủ tọa được ngồi cạnh Như nhưng không được. Và rồi, bằng nước mắt, bằng sự đau đớn và run rẩy, bà nói: “Anh ấy là cái cổ của tôi, cái lưng của tôi, là cuộc sống của tôi… Cậu đã gây ra cái chết cho chồng tôi thì xin cậu hãy nhận sai lầm của mình để kết thúc phiên tòa, kết thúc nỗi đau cho gia đình tôi…”
Trong giờ nghị án, đứa con nhỏ (11 tuổi) của ông Chín ngơ ngác hỏi anh trai: “Vậy những người đánh chết bố bằng tuổi anh hả?”. Đứa con trai lớn (19 tuổi) giơ tay chỉnh lại khăn tang cho em mình đáp: “Ừ. Có đứa nhỏ hơn anh một tuổi”.
Thằng em lại hỏi thêm: “Sao họ bảo bố không chống trả?”. Thằng anh mỉm cười: “Vì bố cũng chưa bao giờ đánh anh em mình”.
Năm gương mặt ngồi trước vành móng ngựa, họ còn đủ đầy cha mẹ nhưng hai đứa nhỏ đeo khăn tang trong phiên tòa ngày hôm ấy đã vĩnh viễn mất bố. Đến cuối cùng, chỉ có nước mắt của người vợ có chồng bị đánh chết rơi trong tiếng nài khẩn xin Như nhận tội để kết thúc nỗi đau cho bà.
Còn năm người còng tay trước tòa kia, tôi ước gì nước mắt họ có thể rơi, dù là cách để xin giảm án thì cũng đủ để làm dịu đi màu trắng toát của những dải băng tang.
Câu hỏi: “Ai giết ba?” của đứa con ông Chín bỏ lửng khi người bị tố là chủ mưu chối cãi, những người trực tiếp ra tay thì “không nghĩ là đánh chết”. Phải rồi, chẳng ai đi giết một người không quen, ông bố ấy chỉ ra đường và rồi tự chết thôi…
Trả hồ sơ, điều tra lại
Ngày 23.12, TAND TP.HCM xử sơ thẩm vụ án “cố ý gây thương tích” đối với bị cáo nguyên thượng úy Phạm Sỹ Hoài Như (35 tuổi, thuộc Đội CSGT Công an Q.Tân Bình, TP.HCM).
Ngoài bị cáo Như còn có 4 bị cáo khác gồm: Nguyễn Minh Chung, Phạm Thanh Kim Hạnh (18 tuổi), Ngô Thành Vương, Trần Đức Vững.
Tại tòa, 4 bị cáo Chung, Vững, Hạnh, Vương khai nhận toàn bộ hành vi. Các bị cáo khai nhận điện thoại của Như bảo đến đánh dằn mặt ông Chín. Ngược lại, Như khai chỉ gọi điện nhờ Chung đến thuyết phục ông Chín ra về để tổ công tác thực hiện nhiệm vụ.
Sau phần xét hỏi, liên quan đến kết quả giám định việc có hay không Như đưa tiền cho các bị các khác để thực hiện hành vi, HĐXX nhận thấy nguyên nhân nạn nhân chết là do chấn thương vùng bụng, vỡ ruột non dẫn đến tử vong. Vì vậy, toà quyết định trả hồ sơ để xác minh thông tin đưa tiền cho các bị cáo khác phạm tội và xác định lại tội danh của các bị cáo.
Theo cáo trạng của Viện KSND TP.HCM, Như đóng vai trò chủ mưu, ra lệnh cho các bị cáo còn lại đánh, gây ra cái chết cho ông Nguyễn Văn Chín (44 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) sau khi ông này cự cãi với tổ CSGT của Như đang làm nhiệm vụ.
Cụ thể, đêm 25.6.2014, tổ tuần tra Đội CSGT do Như làm tổ trưởng đang làm nhiệm vụ tại giao lộ đường Trường Chinh và Tân Kỳ - Tân Quý (P.13, Q.Tân Bình) thì phát hiện ông Chín có biểu hiện sử dụng rượu, bia nên ra hiệu dừng xe, kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện. Ông Chín không đồng ý ký tên vào biên bản, đứng la lối, chửi bới lại với tổ CSGT.
Lúc sau, Như gọi điện cho Chung đến dằn mặt, đuổi ông Chín đi để tổ tuần tra làm việc. Khi đi, Như gọi điện rủ thêm hai bị cáo còn lại cùng tham gia. Tuy nhiên, ông Chính đã tử vong sau khi được phát hiện và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
|
Bình luận (0)