Sáng 17.2, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã triệu tập hội nghị khẩn cấp tại TP.Cần Thơ nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn do khô hạn và xâm nhập mặn ở ĐBSCL.
Một cánh đồng lúa bị ảnh hưởng bởi khô hạn ở huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang - Ảnh: Đình Tuyển |
Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, chưa bao giờ ĐBSCL lại đối diện với những nguy cơ thiệt hại từ hạn, mặn như năm nay.
Trước đó, vụ lúa mùa vào cuối năm 2015 hạn, mặn đã ảnh hưởng đến 57.899 ha lúa ở Kiên Giang, trong đó thiệt hại nặng 34.000 ha.
Ở Cà Mau, Bạc Liêu, vụ thu đông 2015 cũng bị thiệt hại 32.000 ha chủ yếu là lúa thu đông muộn.
Tính đến nay, ghi nhận từ các tỉnh ĐBSCL, diện tích xuống giống vụ đông xuân 2015 – 2016 là trên 1,5 triệu ha. Trong đó, diện tích gieo trồng của 8 tỉnh ven biển gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang là 971.000 ha, chiếm 62,12% diện tích xuống giống lúa đông xuân trong vùng.
Hiện mới bước vào đầu mùa khô năm 2016 nhưng tình hình hạn mặn đã diễn biến cực kỳ phức tạp, khác hẳn với những năm trước đây.
Bộ NN-PTNT tính toán rằng, diện tích đông xuân 2015- 2016 có nguy cơ nhiễm mặn và hạn hán của các tỉnh ven biển ĐBSCL có thể lên đến 339.234 ha chiếm khoảng 35,5% diện tích xuống giống của vùng ven biển và 21,9% toàn vùng ĐBSCL. Trong đó diện tích ảnh hưởng nặng là 104.000 ha, chiếm 11% diện tích xuống giống của vùng ven biển.
Không những vậy, xâm nhập mặn còn ảnh hưởng đến trái cây ở như bưởi, xoài, sầu riêng ở Hậu Giang. Đặc biệt là tỉnh Vĩnh Long, trong lịch sử chưa bao giờ bị thiệt hại bởi xâm nhập mặn thì hiện nay hàng ngàn ha bưởi da xanh, năm roi đã bị ảnh hưởng.
Bình luận (0)