Hơn 57.000 ha lúa mùa trên nền đất nuôi tôm ở vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang đang đứng trước nguy cơ mất trắng vì hạn, mặn.
Lúa mùa ở vùng U Minh Thượng đang bị hạn, mặn uy hiếp - Ảnh: Xuân Lam |
Đây là diện tích lúa mùa đang trong giai đoạn làm đòng thuộc các huyện Vĩnh Thuận, An Biên, An Minh, U Minh Thượng (Kiên Giang). Tuy nhiên, do đặc thù vùng đất này nguồn nước ngọt chủ yếu phụ thuộc nước mưa, trong khi khô hạn kéo dài nên nguy cơ thiệt hại ở trà lúa trên rất lớn. Theo người dân U Minh Thượng, chưa năm nào hạn mặn lại ở mức kỷ lục như năm nay.
Thiệt hại khắp nơi
Theo ghi nhận của Phòng NN-PTNT H.An Biên, thiệt hại do hạn mặn đã bắt đầu từ vụ hè thu kéo dài đến vụ mùa hiện nay. Trong đó, vụ hè thu có gần 5.700 ha lúa bị thiệt hại từ 30 - 70%; vụ lúa mùa này có gần 2.800 ha bị thiệt hại, trong đó gần 1.800 ha mất trắng. Đặc biệt, do hạn mặn nghiêm trọng nên có khoảng 4.000 ha đất không thể gieo sạ được, nhiều hơn gấp 8 lần so với vụ mùa năm 2014. Ông Ngô Trấn Hỷ, Trưởng phòng NN-PTNT H.An Biên, cho biết tình hình sản xuất năm nay rất khó khăn vì lượng mưa rất ít, nắng hạn kéo dài. Không chủ động được nước tưới nên mặn xâm nhập sâu hơn mọi năm. Nếu tiếp tục nắng, không mưa nữa thì diện tích bị thiệt hại sẽ tăng lên.
Cũng theo ông Hỷ, nhiều cánh đồng lúa đang trổ bông vẫn giữ được màu xanh nhưng dưới chân ruộng thì đã bắt đầu khô nước. Những giếng nước được khoan giữa đồng để bơm nước ngọt vào ruộng của mùa vụ năm 2014 thì vụ này không phát huy tác dụng. Trong khi đó, nước ở các con sông đều bị nhiễm mặn không thể bơm vào. Chưa bao giờ hạn mặn lại gay gắt như năm nay. Hiện tất cả các con sông, kênh rạch ở vùng đất này đều đang bị nhiễm mặn, thấp nhất cũng hơn 2‰.
Cánh đồng 2 ha của ông Trần Văn Quốc, ở ấp Thái Hòa, xã Nam Thái A, H.An Biên đang trong giai đoạn đồng trổ mà chỉ thấy lác đác vài bông lúa. Có những chỗ lúa không trổ được bông nào. “Hầu hết diện tích lúa trong ấp đều chết do bị nhiễm mặn, nếu có sống thì cũng không trổ bông, coi như vụ này mất trắng”, ông Quốc nói. Tương tự ở H.Vĩnh Thuận cũng có hơn 2.800 ha lúa mùa bị mất trắng.
Nguy cơ mất trắng
Theo Sở NN-PTNT Kiên Giang, diện tích lúa bị thiệt hại do hạn mặn ở vùng U Minh Thượng đang tăng lên hằng tuần, tuần sau cao hơn tuần trước từ 4.000 - 6.000 ha. Riêng diện tích lúa hè thu và thu đông năm 2015 toàn tỉnh bị ảnh hưởng đã lên hơn 30.000 ha. Số tiền mà ngành nông nghiệp đề xuất tỉnh cấp từ ngân sách hỗ trợ cho nông dân khoảng 45 tỉ đồng, tăng gấp gần chục lần so với mức trung bình nhiều năm trước.
Trong khi đó, đến cuối tháng 12.2015, diện tích nhiễm mặn đã tăng lên hơn 14.800 ha (tăng gần 6.000 ha so với tháng 11), trong đó phần lớn là bị mất trắng. Mặc dù trước đó, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo xuống giống sớm, vận động người dân trữ nước ngọt trong các ao, rạch nhưng vẫn không cứu vãn được tình hình. Bà Thị Thúy ở xã Nam Thái, H.An Biên cho biết: “Tôi có 20 công ruộng đã sạ 2 lần rồi, tiền giống hết hơn 9 triệu đồng, chưa tính tiền xới, tiền trục. Bây giờ lúa có đòng rồi, nếu trời không mưa thì kể như bỏ luôn thôi”.
Ông Trần Quang Củi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, cho rằng: “Hạn mặn năm nay gay gắt và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất rất nhiều. Trong tình hình hiện tại vùng U Minh Thượng không có nước ngọt bổ sung, do đó biện pháp chủ yếu là đắp đập ngăn mặn thời vụ và tranh thủ nếu có mưa thì trữ nước”.
Cũng theo nhận định của ông Củi, diện tích lúa bị nhiễm mặn tại Kiên Giang nhiều khả năng còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nước biển lấn vào nội đồng. Vì vậy, tỉnh Kiên Giang cần tính toan quy hoạch lại vùng sản xuất, chuyển từ sản xuất lúa sang nuôi thủy sản, hoặc trồng những loại cây phù hợp.
Bình luận (0)