UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt đề án quy hoạch tổng thể cơ sở của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2025, định hướng năm 2030.
Hà Nội sẽ mua máy bay chữa cháy - Ảnh minh họa: T.N |
Đề án có tổng kinh phí trên 11.500 tỉ đồng, dự kiến lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn thu bảo hiểm cháy nổ, nguồn tài trợ từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Trong đó, tại giai đoạn 3 của đề án (năm 2026 - 2030), TP.Hà Nội sẽ trang bị một máy bay trực thăng và một máy bay chữa cháy, thành lập trung tâm chỉ huy điều hành bay. Cùng với việc trang bị máy bay, đề án cũng đặt mục tiêu phát triển, mua sắm trang thiết bị, phương tiện để lực lượng phòng cháy, chữa cháy chính quy, tinh nhuệ.
Đến năm 2020, quân số lực lượng phòng cháy, chữa cháy sẽ được bổ sung 2.000 người và đến năm 2030 tổng quân số dự kiến của lực lượng này khoảng 6.500 người. 58 vị trí với trên 285.000 m2 đất được quy hoạch để xây dựng hệ thống cơ sở của lực lượng phòng cháy, chữa cháy. Sở Cảnh sát phòng cháy chữa, cháy cũng sẽ thành lập 10 phòng chức năng tại các quận, huyện, thị xã.
Trước đó, ngày 9.11.2015, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 60 quy định tiêu chuẩn, định mức trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.
Theo đó, kể từ ngày 1.1.2016, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn quốc gia được trang bị định mức 1 đến 2 trực thăng chữa cháy và cứu hộ; địa phương loại đô thị đặc biệt (Hà Nội và TP.HCM) được trang bị 1 đến 2 trực thăng loại này và phải có niên hạn sử dụng trong 15 năm. Đồng thời, mỗi đội cảnh sát chữa cháy trung tâm và khu vực phải có 5 xe chữa cháy, 1 xe thang từ 32 đến 52 m, 1 xe cứu thương, 2 mô tô chữa cháy cứu hộ, 1 máy ghi âm, ghi hình, thiết bị camera dò tìm người bị nạn.
Bình luận (0)