Mục sở thị gỗ lậu biên giới Lào, Campuchia

Lâm tặc khai thác gỗ vùng huyện Ia HDrai (Kon Tum) rồi tập kết về sông Sê San, sau đó vận chuyển đi tiêu thụ. Đặc nhiệm Bộ Tư lệnh biên phòng vào cuộc trấn áp

Thời gian qua, lâm tặc đã phá rừng quy mô ở tuyến biên giới bắc Tây nguyên. Đặc biệt, lâm tặc vùng biên này rất manh động, sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng.

Gỗ lậu trên sông Sê San

Lâm tặc bốc gỗ lậu ở bến làng Tung đưa lên xe đi tiêu thụ Ảnh: Quốc Anh

Một buổi chiều gần đây, chúng tôi giả dạng làm dân đánh cá rồi nhờ người quen dùng ghe máy đi mục sở thị gỗ "chìm" trên dòng sông Sê San. Chiếc ghe máy đưa chúng tôi trên qua bến làng Tung,  xã Ia Khai, H.Ia Grai (Gia Lai). Đây là “bến gỗ” mà đầu tháng 6.2013, anh em làm báo đã lặn xuống bến sông “khui” lên hàng chục phách gỗ nhóm 1 lâm tặc tập kết tại đây.

Theo lời giải thích của người dẫn đường, bến này giờ dù bị lộ nhưng "lâm tặc vẫn dùng để tập kết gỗ". Không chỉ bến này mà theo quan sát, chúng tôi thấy nhiều điểm nghi gỗ tập kết, phía ngoài bờ sông luôn có nhóm 4-5 thanh niên đang ngồi câu cá, nhưng thực chất là lâm tặc cắt người cảnh giới ngành chức năng. Chìm dưới bến nước là hàng loạt khúc gỗ vuông lớn nằm ken dày.

Chiều xuống dần trên sông, cũng là lúc chúng tôi chứng kiến cảnh lâm tặc đưa xe cơ giới với hệ thống cần cẩu ra bến làng Tung rồi vớt gỗ chuyển lên xe đưa đi. Qua ống kính máy ảnh được "zoom in" hết cỡ, chúng tôi thấy những phách gỗ đỏ nửa chìm nửa nổi trên sông được lâm tặc dùng cần cẩu móc lên từ dưới lòng sông lên trên xe, sau đó rồ ga chạy như chốn không người.

Hóa ra, không chỉ có bến này, mà khi qua bến làng Nu, xã Ia Khai, H.Ia Grai, chúng tôi cũng chứng kiến cảnh gỗ nằm sắp lớp. "Nếu không có động, trong đêm nay, số gỗ này sẽ được chuyển đi hết", người dẫn đường của chúng tôi nói.

Bãi gỗ lậu để dày trên bến Ảnh: P.A

Ông Lâm Văn Long, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm H.Ia Grai cho biết, nguồn gỗ trên sông Sê San bắt nguồn từ H.Ia Hdrai (Kon Tum). Tại đây, lâm tặc khai thác xong, vận chuyển qua khu vực sông Sê San thuộc các xã Ia Khai và Ia O, H.Ia Grai, đợi thời cơ thuận lợi, lâm tặc dùng xe tải, xe cẩu, xe khách 12-16 chỗ và cả xe máy lén chuyển về nội địa tỉnh Gia Lai và các tỉnh lân cận tiêu thụ. Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm H.Ia Grai đã phát hiện và bắt giữ 28 vụ/171 m3 gỗ với  6 xe ô tô vận chuyển gỗ kiểu này. 

Bãi gỗ lậu tập kết trên sông Sê San bị phát hiện Ảnh: P.A

Đội xe "tôm bay"

Ông Võ Ngọc Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Ngọc Hồi cho hay, trên địa bàn lâu nay có loại xe "tôm bay", chỉ có khung máy, sườn xe, nhưng vốn là loại "đặc chủng", xe "sát thủ" rừng của lâm tặc vùng biên. Ngày thường, lâm tặc cưỡi "tôm bay" đi rẫy, vận chuyển nông sản và khai thác gỗ rừng. Đường rừng kiểu gì xe này cũng luồn lách vào được.

Ông Thành nói, đội quân này phát triển nhiều ngần nào thì rừng càng mất đi nhiều chừng ấy. Đám "tôm bay" có mặt khắp nơi, tấn công rừng vùng nội địa đến khắp các khu rừng vùng biên giới, sau đó vận chuyển như đàn cào cào bay trên đường biên giới đi tiêu thụ.

Lâm tặc dùng "tôm bay" vận chuyển gỗ lậu ở biên giới Ảnh: CTV

Đặc nhiệm Biên phòng vào cuộc

Gỗ do lâm tặc  khai thác lậu bị lực lượng chức năng bắt và tịch thu Ảnh: Q.A

Trước tình hình lâm tặc hoành hành, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã đưa lực lượng đặc nhiệm về vùng bắc Tây nguyên, phối hợp với Bộ đội Biên phòng hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum trấn áp nạn khai thác, tàng trữ, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép diễn ra dọc theo tuyến biên giới giáp với Lào và Campuchia.

Tại Kon Tum, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kon Tum đã thành lập 2 đoàn công tác: một phụ trách tuyến biên giới giáp Campuchia, đoàn còn lại là tuyến biên giới với Lào. Lãnh đạo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai thì yêu cầu cán bộ, chiến sĩ đấu tranh cương quyết, lật tẩy thủ đoạn của các "lâm tặc chúa". Đồn Biên phòng nào thiếu kiên quyết, đấu tranh không hiệu quả, người đứng đầu đơn vị có thể bị cách chức, chuyển công tác, tùy theo mức độ vi phạm.

Để mục sở thị cuộc đấu tranh của lực lượng biên phòng chống lâm tặc, chúng tôi vào "điểm nóng" H.Ia Hdrai (Kon Tum). Hôm trên đường vào xã Ia Dom của huyện này, chúng tôi bắt gặp hai chiếc xe được cơ quan chức năng huyện Ia H’Drai trưng dụng chở hàng chục khối gỗ do lâm tặc triệt phá từ rừng phòng hộ xã Mo Rai, H.Sa Thầy về xử lý.

Đến Đồn Biên phòng Hồ Le (xã Ia Đal, H.Ia Hdrai), chúng tôi được lãnh đạo đơn vị này cho hay, vừa triệt phá và bắt giữ vụ phá rừng quy mô lớn, với trên 60m3 các loại tập kết ở 3 điểm.

Tại hiện trường, chúng tôi thấy những phách gỗ vuông dài nằm la liệt, một cán bộ Biên phòng ở đây cho biết, nó dài hơn 6m. "Đây là gỗ từ cây cổ thụ hàng trăm năm, bị đốn chặt và cưa ra từng hộp kiểu này", sĩ quan biên phòng này nói. Ngoài ra, đặc nhiệm của Bộ Tư lệnh Biên phòng và lực lượng Biên phòng địa phương còn ra tay trấn áp hàng loạt vụ vận chuyển, khai thác với hàng trăm khối gỗ các loại khác tại Sê San; tại xã Bờ Y, xã Đăk Xú (H.Ngọc Hồi); xã Đăk Long, H.Đăk Glei; xã Ia O, H.Ia Grai…

Những cây gỗ to bị lâm tặc chặt hạ Ảnh: Q.A

Trong đó, từ giữa tháng 4 đến khoảng giữa tháng 5 trên địa bàn tỉnh Kon Tum, các lực lượng Biên phòng đã triệt phá, bắt hàng loạt vụ, thu hàng trăm khối gỗ bị lâm tặc khai thác, tàng trữ và vận chuyển trái phép. 

Theo thống kê (chưa đầy đủ) của Chi cục kiểm lâm tỉnh Kon Tum, từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm và các ngành chức năng ở địa phương đã phát hiện và xử lý khoảng 170 vụ vi phạm lâm luật, với trên 770 m3 trái phép. So với cùng kỳ năm 2015, tăng 20% số vụ và tăng 38% khối lượng gỗ. Nhận định của ngành kiểm lâm cho rằng sự vi phạm lâm luật gia tăng, nên cần có nhiều biện pháp quyết liệt để trấn áp lâm tặc, giữ rừng.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.