Mưu sinh với nghề nguy hiểm - Kỳ 7: Kiếm sống trên cây thốt nốt

05/10/2014 02:20 GMT+7

Cây thốt nốt cho nước, trái ngọt lành tại vùng Bảy Núi (An Giang) nhưng cũng luôn gắn liền với nghề lam lũ, hiểm nguy của những người leo thốt nốt .

 

 Kiếm sống trên cây thốt nốt
Ông Chau Tuốt, người có nhiều năm trong nghề leo thốt nốt - Ảnh: Tiến Trình

>> Mưu sinh với nghề nguy hiểm - Kỳ 6: Tự 'biệt giam' giữa biển khơi
>> Mưu sinh với nghề nguy hiểm - Kỳ 5: Lau kính cao ốc
>> Mưu sinh với nghề nguy hiểm - Kỳ 4: Sống cùng thú dữ

Con đường dẫn vào phum Tà Lê (ấp Vĩnh Hạ, xã Vĩnh Trung, H.Tịnh Biên, An Giang) nhỏ đến mức nếu không được chỉ dẫn, tôi không nghĩ đó là con đường vào khu nhà biệt lập với xóm làng xung quanh. Tuy có biệt lập nhưng phum này luôn được biết đến với nhiều người đàn ông còn theo nghề leo cây thốt nốt, cái nghề đặc trưng tại các phum, sóc ở Bảy Núi.

Mở mắt đã thấy... leo cây

“Khi mở mắt ra là đã thấy cây thốt nốt. Lớn lên thì đi làm nghề thốt nốt thôi”, người đàn ông ở trần trùi trụi giải thích cho khách lạ vì sao mình làm nghề “sống ôm cây thốt nốt”. Ông Chau Quân (47 tuổi, ngụ phum Tà Lê) nói dân ở đây “ôm cây thốt nốt là dễ kiếm tiền nhất”. Cây thốt nốt đã giúp ông nuôi sống vợ và 6 con.

Trời đứng nắng, tôi theo chân ông Chau Quân men theo bờ ruộng để đến những cây thốt nốt được ông thuê. Dừng lại một cây thốt nốt cao khoảng 15 m, dọc thân cây cột sẵn cây tre nhiều mắt. Sau khi bảo tôi đứng đợi dưới gốc cây, ông bám theo mắt tre thoăn thoắt leo lên. Chỉ trong tích tắc, ông đã biến nhanh trong tán lá xum xuê của cây thốt nốt. Người anh ruột của Chau Quân là Chau Ron theo nghề leo thốt nốt năm 16 tuổi, làm hơn 10 năm thì ông bỏ nghề. “Làm cái nghề này khó sống lắm. Làm ruộng, rẫy dễ sống hơn”, ông Chau Ron nói. Còn với Chau Quân, ông nói đám con anh không cho anh cái quyền lựa chọn.

Một điều lạ là hầu hết những người leo thốt nốt không ai được sở hữu cây thốt nốt nào. Họ phải liên hệ với những gia đình có cây thốt nốt để thuê với giá 50.000 đồng/cây/năm cho mỗi cây “đực” và mắc hơn chút đỉnh đối với cây “cái”. Sở dĩ có sự chênh lệch là vì cây đực chỉ cho nước về bán uống hoặc nấu đường; còn cây cái có thêm cả trái.

Khác với leo dừa, những người leo thốt nốt phải chuẩn bị những cây tre có mắt lớn cột chặt vào thân cây thốt nốt làm “cây đài” (giống như cây thang) để leo lên. “Hành trang” lên cây thốt nốt của mỗi tay leo là dao bén dắt hông, chai, lọ cột quanh người... để lấy nước, bẻ trái trên cây mang xuống. Chau Nghét, người nhiều năm theo nghề leo thốt nốt ở phum Tà Lê, nói rằng anh “ngán” nhất là mỗi khi leo xuống. Phần vì mệt, phần vì mang theo “lợi phẩm” nặng nếu không cẩn thận sẽ dễ “rơi tự do”.

“Ngày chết 2 lần”

Tôi hỏi có ai bị “rơi tự do” hay chưa thì cùng lúc mỗi người leo thốt nốt chỉ một hướng. Ông Chau Quân chỉ nhà Chau Phan bị té “hư giò” đi không được nữa. Chau Rên chỉ Chau Ty té từ trên xuống rồi “không bình thường” luôn. Còn ông lão Chau Tuốt kể cái chết vì té khi leo cây thốt nốt của anh Chau Dek Đây là bài học xương máu cho các đồng nghiệp khác. “Có nhiều lý do để dẫn đến tai nạn lắm. Mấy ông leo cây thì thường hay uống rượu cho khỏe, cho gan để leo cho bền. Nhưng có ông uống quá cỡ, lên trên cao rồi bủn rủn tay chân thì té. Có khi cây đài tre bị mục không hay, leo lên cao quá, mang nặng xuống nó gãy thì cũng chịu thôi”, ông Chau Sam Bô nói.

“Mình làm nghề dưới mặt đất lỡ có bị chóng mặt, bị xỉu thì cùng lắm ngã xuống đất. Đằng này sống ở trên trời, khi bị rớt xuống đất là hết cứu”, ông Sam Bô nói tiếp. Sam Bô kể ông thuê được hơn 20 cây thốt nốt, mỗi ngày leo lấy nước đủ nấu ra 20 kg đường, bán được 250.000 đồng. Trừ tiền ăn uống, thuốc men, tiền thuê cây... ông còn được 150.000 đồng mang về cho vợ. “Vậy chứ đỡ lắm chú à. Nghề này chỉ có hạn chế là dễ chết thôi. Mình leo cây leo cối, xui rủi đâu nói trước được”, ông Sam Bô tâm sự.

Ông lão Chau Kên (ở ấp Vĩnh Hạ, xã Vĩnh Trung, H.Tịnh Biên) cho biết: “Tôi cũng nhiều lần té do cây đài lâu ngày mục, gãy, nhưng may mắn chỉ trật chân. Tai nạn nhiều nên đã thành một cái lệ: cứ khoảng 8 - 9 giờ tối mà không thấy chồng đi leo thốt nốt về là các bà vợ la làng nhờ hàng xóm mang võng ra gốc thốt nốt tìm kiếm. Giờ đây, tôi leo không đài, tuy nó mệt hơn nhưng nếu thấy nguy là mình tuột xuống liền mà còn về được với vợ con”. “Mỗi ngày mình leo cây thốt nốt 2 lần. Sáng đi, trưa xuống ăn cơm rồi ngủ một giấc, thức dậy thì leo tiếp. Mỗi lần leo là mỗi lần chết. Nên mở mắt dậy mỗi ngày là mình sẵn sàng... chết 2 lần”, ông Chau Quân cười nói.

“Nhiều người té thốt nốt quá, nên bây giờ người ta cũng khôn ra rồi. Hổng dám uống rượu rồi đi leo đâu, đi làm về mới uống”, Chau Rên bảo. Ông Chau Rên nói ngày càng nhiều người bỏ nghề leo thốt nốt, phần vì nguy hiểm, phần vì giá rẻ quá, không kiếm được nhiều tiền nên người ta đi tìm việc khác.

Cây thốt nốt gắn liền với hình ảnh làng quê vùng núi An Giang. Người ta có thể thấy sản phẩm từ thốt nốt có mặt khắp nơi: từ hàng quán, chợ búa hay chỉ là chòi nhỏ ven đường cũng có thể trưng bày các sản phẩm từ cây thốt nốt như đường, nước thốt nốt hay đơn giản là trái thốt nốt bán cho khách thập phương. Cung ứng sản phẩm cho những nơi này là những người chuyên leo thốt nốt.

Một cán bộ xã Vĩnh Trung bảo rằng tuy cây thốt nốt không phải là nguồn kinh tế chính của xã, tuy nhiên nó cũng giúp nhiều người dân có thêm thu nhập, tạo việc làm không chỉ cho người leo cây, nấu đường mà còn giúp được cho các hộ khác có điều kiện buôn bán các sản phẩm từ thốt nốt. “Địa phương cũng nhiều lần nhắc nhở, hướng dẫn người dân chuẩn bị sức khỏe tốt trước khi leo, hạn chế uống rượu để phòng rủi ro khi leo trèo trên cao”, vị này nói.

Tiến Trình 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.