Xe

Sai phạm của bà Nguyệt Hường do cơ quan chức năng phát hiện

18/07/2016 12:45 GMT+7

Trao đổi với báo giới sáng 18.7, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sai phạm của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là do cơ quan chức năng phát hiện chứ không phải do có đơn tố cáo.

Việc xét duyệt hồ sơ của các ứng viên ĐBQH được khẳng định thực hiện rất chặt chẽ nhưng đến thời điểm ngay trước khi khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá 14 mới phát hiện sai phạm của bà Nguyệt Hường. Như vậy quy trình có vấn đề gì không?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia, Tổng thư ký Quốc hội: Quy trình hoàn toàn đúng nhưng người ta giấu thì không thể biết được. Ví dụ như anh đăng ký một quốc tịch nước ngoài, anh vào mạng đăng ký rồi chuyển tiền… thì không ai biết. Đến khi thành kết quả là có hộ chiếu, quốc tịch nước ngoài mới biết được.
Vậy thông tin bà Nguyệt Hường nhập tịch Malta xuất phát từ đâu?
Thông tin đó do cơ quan chức năng cung cấp.
Ngoài lý do bác tư cách ĐBQH do vi phạm luật Quốc tịch, bà Nguyệt Hường còn có vi phạm nào khác không?
Cho đến thời điểm này chỉ có lý do đó, phát hiện vi phạm, xử lý luôn. Còn có lý do gì nữa hay không, sau này các cơ quan chức năng vào, chưa biết thế nào. Bây giờ chỉ biết là phát hiện vi phạm này thì xử lý đã.
Được biết trong đơn, bà Nguyệt Hường không xác nhận vi phạm này?
Có thể đó là quan điểm của người ta. Tôi chưa hiểu là người ta có biết hành vi của mình có vi phạm hay không. Có thể là bà Nguyệt Hường hiểu không rõ về quy định người Việt Nam có thể có 2 quốc tịch. Theo điều 4 luật Quốc tịch, công dân CHXHCN VN chỉ có 1 quốc tịch Việt Nam được công nhận.
Khi anh muốn có quốc tịch khác, anh phải xin thôi quốc tịch Việt Nam để đăng ký quốc tịch nước ngoài. Trường hợp nếu anh ra nước ngoài, có quốc tịch nước đó và nước đó cho phép anh có thể có nhiều hơn một quốc tịch thì anh có thể có nhiều quốc tịch. Nhưng khi anh về Việt Nam, anh chỉ được phép sử dụng một quốc tịch chứ không thể sử dụng cùng lúc 2 quốc tịch.
Điều này có nghĩa là nếu anh về Việt Nam, anh lựa chọn sử dụng hộ chiếu nước ngoài thì anh được coi là người nước ngoài. Còn nếu anh sử dụng hộ chiếu Việt Nam, anh là công dân Việt Nam, được hưởng đầy đủ các quyền lợi đối với công dân Việt Nam.
Còn anh là công dân Việt Nam mà muốn nhập quốc tịch 1 nước khác, anh phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam chứ không thể anh là công dân Việt Nam nhưng cùng lúc lại có 2 quốc tịch được.
Còn đối với bà con kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, chúng ta vẫn khuyến khích và cho phép giữ quốc tịch Việt Nam. Khi bà con về Việt Nam dùng quốc tịch Việt Nam thì vẫn là người Việt Nam, mặc dù có thể đi nước ngoài từ lâu rồi.
Việc bà Hường có thể bị coi là không trung thực trong kê khai hay không?
Nói như vậy cũng không hoàn toàn đúng. Vì trong hồ sơ kê khai ứng cử Đại biểu Quốc hội không có mục nào về quốc tịch cả. Nếu có mục này mà anh không ghi rõ thì có thể coi là không trung thực, nhưng hồ sơ không có.
Lý do xin đơn xin rút của bà Nguyệt Hường là gì?
Trong đơn bà Nguyệt Hường xin thôi không làm đại biểu vì xét thấy không đủ điều kiện.
Việc tiếp nhận thông tin về việc bà Nguyệt Hường nhập quốc tịch Malta được các cơ quan chức năng cho biết vào thời điểm nào?
Thông tin có từ sau phiên họp thứ bảy của Hội đồng bầu cử Quốc gia (15.7.2016).
Như vậy các công dân Việt Nam nếu đăng ký quốc tịch khác thì cũng rơi vào tình trạng tương tự bà Nguyệt Hường?
Bất cứ công dân nào đang có quốc tịch Việt Nam nếu đăng ký quốc tịch nước ngoài mà chưa từ bỏ quốc tịch Việt Nam là sai.
Chế tài đối với vi phạm này như thế nào?
Nếu vi phạm thì sẽ phải thu hồi. Còn anh là Đại biểu Quốc hội mà vi phạm thì không công nhận tư cách Đại biểu Quốc hội nữa và đương nhiên phải thu hồi.
Khi cơ quan chức năng thông báo về việc bà Nguyệt Hường có 2 quốc tịch thì có cho biết về việc đầu tư nước ngoài của bà Nguyệt Hường hay không ? Vì ở nhiều nước, muốn được nhập tịch thì thường cũng có yêu cầu về việc đầu tư khá lớn?
Cái này thuộc quy định của các nước, anh muốn nhập tịch thì phải có điều kiện gì đó. Cái này rất mới. Ban đầu chúng tôi cũng chưa biết Malta ở đâu. Sau tìm hiểu mới biết là một đảo quốc ở Địa Trung Hải. Malta rất nhỏ, chỉ có khoảng 386 km2 với khoảng 396 nghìn dân.
Malta là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) nên có hộ chiếu Malta có thể đi lại tự do trong châu Âu.
Có lẽ bà Nguyệt Hường cũng hiểu như anh.
Ngoài thông tin về việc nhập tịch Malta thì các cơ qan chức năng thông báo hay cảnh báo gì thêm về trường hợp của bà Nguyệt Hường hay không?
Không có. Vi phạm như vậy đã không đủ tiêu chuẩn rồi.
Sau vụ việc này, sắp tới Hội đồng bầu cử Quốc gia có rà soát lại các thông tin liên quan đến các đại biểu còn lại hay không?
Đó là việc đương nhiên. Từ nay và trong suốt nhiệm kỳ, nếu xác định đại biểu nào vi phạm, đương nhiên sẽ bị xử lý, cũng như trước đây đã có trường hợp bà Đặng Thị Hoàng Yến, bà Châu Thị Thu Nga vi phạm trong quá trình làm Đại biểu Quốc hội.
Trường hợp cả ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyệt Hường đều có đơn thư tố cáo?
Trường hợp ông Thanh thì có đơn thư còn bà Hường do cơ quan chức năng phát hiện ra chứ không phải đơn thư.
Hiện nay bà Hường vẫn là ĐBQH khoá 13 thì có xem xét xử lý vi phạm?
Quốc hội khoá 13 không còn kỳ họp nào nữa còn nếu vi phạm trong nhiệm kỳ khoá 13 đương nhiên phải đưa ra Quốc hội.
Hôm qua 17.7, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã bỏ phiếu xác nhận tư cách Đại biểu quốc hội và hôm nay 18.7, Chủ tịch Quốc hội ký Nghị quyết xác nhận tư cách ĐBQH đối với 494 đại biểu khoá 14. Ngày mai, 494 ĐBQH khoá 14 được mời về Hà Nội để tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho việc thực hiện quyền của ĐBQH và chuẩn bị cho phiên họp trù bị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.