Ông Hòa là người điều khiển tàu ngầm - Ảnh: ông Nguyễn Quốc Hòa cung cấp |
Chiếc tàu ngầm tự chế đầu tiên của Việt Nam đã xuống nước lúc 14 giờ ngày 30.5 từ bến của Nhà máy đóng tàu Đại Dương, đặt tại cảng Diêm Điền, TT.Diêm Điền, H.Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Từ nhà máy của Công ty TNHH Quốc Hòa, ở TP.Thái Bình, tàu ngầm Trường Sa 1 được đưa lên xe tải và dùng cần cẩu để hạ xuống nước. Đáng tiếc là một tai nạn đã xảy ra với tàu ngầm khi hạ thủy. Cụ thể, tàu ngầm Trường Sa 1 sau khi va chạm với một tàu vận tải đã bị văng bánh lái, cong chân vịt và trục chân vịt, vỡ bánh răng hộp số. Tàu vận tải cũng bị móp một vết khá sâu.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc Hòa, người chế tạo tàu ngầm trên, đã cố gắng khắc phục sự cố và tiếp tục cầm lái cho tàu chạy thử trên biển. Đồng thời, ông nhờ 2 tàu cá đi cùng để đề phòng bất trắc. Bộ đội biên phòng Thái Bình cũng cử 1 ca nô chạy quanh khu vực thử nghiệm. Tuy nhiên, tàu ngầm Trường Sa 1 mới thử khả năng chạy nổi, nhiều nhất là “lặn” chìm gần hết thân tàu chứ chưa thực sự lặn hẳn xuống dưới mặt nước.
Đến 17 giờ 30 cùng ngày, dù chưa ra đến phao số 0 như dự tính nhưng tàu ngầm Trường Sa 1 phải quay về vì theo ông Hòa, tàu xuất hiện một số trục trặc do sự cố lúc hạ thủy gây ra. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hòa cho biết cuộc thử nghiệm thành công khoảng 70% theo dự tính. Theo đó, ông đã biết được khả năng chịu sóng, khả năng chống lại dòng chảy, tình trạng nghiêng lật khi mắc cạn… của Trường Sa 1. “Đây là kinh nghiệm tốt cho việc chế tạo các con tàu sau”, ông Hòa nói. Hiện tàu Trường Sa 1 đã được đưa về xưởng để sửa chữa. Có khả năng sẽ mất 1 tháng để khắc phục các sự cố kể trên.
|
Chia sẻ về những sự cố xảy ra khi thử nghiệm, ông Hòa cho biết: "Tôi cài số lùi nhanh quá, khiến tàu lùi nhanh và va vào tàu bạn. Việc lái tàu thì khá đơn giản, cái khó nhất chỉ là điều khiển nó sau khi đã gặp sự cố". Về những nguy hiểm có thể xảy ra với chính mình, ông Hòa cho biết "không vấn đề" vì trên tàu có hệ thống chống cháy, nổ, chống nghiêng, lật, "trường hợp nguy cấp quá thì chỉ việc bật nắp và mặc áo phao chui lên, còn chết thì không thể vì tôi đã tính hết rồi", ông Hòa nói.
|
Thử nghiệm “chui”
Trả lời câu hỏi vì sao chưa được cấp phép nhưng vẫn mang tàu đi thử nghiệm, ông Nguyễn Quốc Hòa cho biết nếu chờ đủ thủ tục của cơ quan chức năng thì “không biết đến ngày nào mới được cấp phép” nên phải thử “chui”. Doanh nhân này cho biết đã cùng bạn bè dành hằng tháng để chuẩn bị cho cuộc thử nghiệm này.
Cũng trong chiều 31.5, bà Cao Thị Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, cho biết đã nghe thông tin về việc tàu ngầm Trường Sa 1 ra biển và yêu cầu các cơ quan chức năng báo cáo UBND tỉnh về sự việc này. Bà Hải khẳng định: “Quan điểm của tỉnh là ủng hộ ông Hòa. Nhưng muốn thử nghiệm hay lưu hành trên biển thì phải được cơ quan chức năng cấp phép”.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thái Bình, sáng 30.5, khi thấy tàu ngầm Trường Sa 1 tại cảng Diêm Điền nên đã cử người xuống kiểm tra và được đại diện nhà máy đóng tàu Đại Dương cho biết tàu được đưa đến để sửa chữa. Đến chiều, khi có thông tin tàu Trường Sa 1 ra biển, Bộ đội biên phòng Thái Bình đã cử 1 ca nô đến hiện trường nhưng không phải để “hỗ trợ” cuộc thử nghiệm mà là để kiểm tra tình hình và đảm bảo an toàn khu vực biển Diêm Điền. Sau đó, do tàu Trường Sa 1 không thể tiếp tục chạy được nữa, ca nô biên phòng đã hỗ trợ tàu này vào bờ.
Hoàng Long
>> Vì sao tàu ngầm tự chế không được thử nghiệm trên biển Thái Bình?
>> Tàu ngầm tự chế ra hồ thử nghiệm
>> Người Việt chế tạo tàu ngầm
>> Ước mơ tàu ngầm Việt
Bình luận (0)