LTS: Xã hội Việt Nam từ sơ sử đến cận đại là một công trình quan trọng trên hai phương diện lịch sử và xã hội của Lương Đức Thiệp. Quyển sách là một bách khoa thư về mọi mặt đời sống văn hóa, kinh tế, chính trị, tổ chức và sinh hoạt trong xã hội cũng như đời sống trí thức Việt Nam.
Nhân dịp NXB Tri Thức và Công ty CP Sách Tao Đàn ra mắt sách Xã hội Việt Nam từ sơ sử đến cận đại, Thanh Niên xin được trích đăng một số nghiên cứu và nhận định của Lương Đức Thiệp. Mời các bạn cùng theo dõi (tít bài do Thanh Niên đặt).
tin liên quan
Xã hội Việt Nam từ sơ sử đến cận đạiBằng cách phục hồi dần những gương mặt đang mờ dần theo dòng chảy lịch sử, chúng ta có cơ hội tiệm cận đến một hình dung chính xác nhất về độ đa dạng, sinh động, tương đồng, dị biệt... của đời sống văn hóa trong quá khứ.
Theo Lão giáo (biến thể) thì Ngọc hoàng thượng đế sáng tạo ra Trời Đất là chúa tể cả thế gian và bách thần mỗi vị giữ một chức vụ riêng như quan lại trong xã hội. Lão quân là hóa thân của đức Ngọc hoàng. Thế gian chia ra làm ba giới: Thiên đình, Âm phủ và Thủy phủ. Ở Thiên đình thì có Tứ đại Thiên vương, Nhị thập bát tú, Lôi thần, Điện thần, Vũ thần, Phong thần, Nam tào coi việc sinh, Bắc đẩu coi việc tử, cùng Ngũ phương thần, Tứ thời thần, Thành hoàng, Thổ công, Táo quân, Tài thần, Văn xương đế quân, Quan thánh đế quân.
Ở Âm phủ, có Thập điện Diêm vương và Địa tạng vương. Ở Thủy phủ, có Tứ hải Long vương quản trị mọi việc dưới biển.
Ngoài các vị thần tiên, còn có những yêu quái hay quấy nhiễu loài người, chỉ có các vị thần tiên mới trừ nổi các giống ấy. Mà cảm thông được với quỷ thần chỉ có hạng đạo sĩ biết phù chú và ấn quyết "hô phong hoán vũ" cũng sai khiến được quỷ thần đến trừ yêu quái.
Phù chú ấn quyết nguyên của Ấn Độ qua Trung Quốc, rồi sang Việt Nam, bọn đạo sĩ mượn dùng làm pháp thuật riêng của mình, nên trong chữ viết bùa và các câu thần chú có chữ và tiếng Ấn Độ xen lẫn vào mà chính các đạo sĩ cũng không hiểu nghĩa.
Phương thuật truyền sang Việt Nam từ lâu. Đời Lý đã có những tay phù thủy có tiếng như Đại Điên, Từ Đạo Hạnh. Hiện nay chỉ có thầy pháp thường chia ra làm hai hạng: phái đạo nội gốc ở Ấn Độ chỉ dùng tâm niệm để tu luyện không thịnh bằng phái đạo ngoại của các thầy bùa (phù thủy) luyện âm binh, âm tướng để khu trục tà ma yêu quái và trị bệnh...
...Đạo phù thủy và đồng cốt rất thịnh hành trong dân gian. Những người có bệnh hoặc nhà có người chết thường đón thầy phù thủy về trị bệnh và khu trục tà ma, hoặc đánh đồng thiếp xuống thăm tổ tiên dưới Âm phủ. Tại các chùa cũng có tĩnh thờ các chư vị, ngoài việc thờ Phật. Nhiều nhà sư tuy theo đạo Phật cũng làm thầy cúng, làm bùa phép như các thầy phù thủy và pháp sư.
Trong các việc tế tự ấy, ta thấy lẫn lộn các hình thức tôn giáo chính (Tam giáo và đa thần giáo).
Ngoài các sự sùng bái phổ thông trên đây của Đạo giáo, còn có phép phù cơ (phụ đồng tiêu) và cách gọi dí. Dùng một người có khiếu riêng làm trung gian để hỏi han ý kiến quỷ thần và các vong hồn.
Thêm tục sùng bái tổ sư các nghề, và tục bái vật (thờ hổ, thờ cá voi, thờ cây đa, cây đề v.v...) tín ngưỡng dân chúng Việt Nam họp thành một mớ tín ngưỡng linh tinh. Song đó chỉ là bề ngoài hoặc một phương diện của vấn đề.
Thật vậy, mới quan sát thì ta thấy "tôn giáo" của người Việt Nam đầy vẻ hỗn tạp: ngoài sự sùng bái tổ tiên là tôn giáo căn bản, người Việt Nam còn chắp ghép tục bái vật và đa thần giáo cổ sơ, đạo Lão, đạo Phật (đạo Khổng nữa) vào mớ tin tưởng linh tinh của mình mà hóa thành một thứ tôn giáo đặc biệt. Cho nên, nếu chỉ xét về mặt thuần lý của từng tôn giáo một thì ta thấy tín ngưỡng của người Việt Nam không có tính cách đơn thuần. Nếu xét về mặt xã hội thì ta thấy tất cả tín ngưỡng của người Việt Nam đều bao hàm một cái gì nhất trí nó hằng chi phối thái độ của mỗi người đối với các vị thần linh và các bậc giáo tổ, một thái độ hết sức thiết thực.
Họ nhận thức rằng trong vũ trụ những lực lượng âm u vẫn thường phát hiện, có thể nguy hại tới họ, tới cuộc sống hàng ngày của họ, nên họ tìm cách ngăn ngừa. Song không rõ các lực lượng âm thầm tác động ra sao nên họ phải giải quyết bằng sự tế lễ để cầu yên hòa. Đối với họ, ông Thánh nào cũng thiêng, ông Thần nào cũng mạnh, Phật tổ, Lão tổ đều là bậc thánh thần cả, bởi vậy họ phải kiêng sợ mà lễ bái để cầu lợi lộc ngay tại trong kiếp này hơn là ở cuộc đời mai sau.
Họ phòng xa nhỡ phải đói rét thật dưới Âm phủ nên mong có người cúng tế sau khi chết và quỷ sứ dưới địa ngục hành hạ thật chăng nên phải làm chay bố thí... Họ nhờ thánh để trị tà yêu và có thế thôi. Chứ thực ra trong trí họ vẫn lởn vởn ít nhiều hoài nghi. Đem chứng nghiệm với cuộc đời thực, họ thấy uy quyền của Thần Phật nhiều khi thấy có mà nhiều khi cũng lại thấy không.
Thái độ lưng chừng và thiết thực làm họ dung hòa được các tôn giáo, và vì vậy họ không có một tín ngưỡng vững chắc nào cả, vì vậy họ không bao giờ trở thành những tín đồ cực đoan như nhiều dân tộc lạc hậu khác.
...Cho nên suốt trong lịch sử Việt Nam, những người khác đạo sống sát cạnh nhau vẫn yên ổn là một hiện tượng xã hội rất thông thường; và chưa từng xẩy ra một cuộc xung đột nào về tôn giáo đến đẫm máu do phần dân chúng tự ý gây nên.
Sở dĩ tôn giáo còn có ít nhiều chỗ đứng trong xã hội và tâm tưởng người Việt Nam, vì trí thức dân chúng chưa được khai thông, vì khoa học chưa phổ cập. Tình trạng này cũng do sinh sản lực còn quá lạc hậu của xã hội nông nghiệp.
|
Bình luận (0)