Tấm lòng chung thủy của bạn đọc

17/02/2018 06:00 GMT+7

31 năm qua, nhiều bạn đọc không bỏ sót bất kỳ một số báo Thanh Niên nào. Với họ, Thanh Niên đôi khi vượt ra ngoài ý nghĩa của một kênh tin tức đơn thuần, trở thành món ăn tinh thần quý giá.

“Báo Thanh Niên gắn kết vợ chồng chúng tôi”
Bà cụ chậm rãi từng bước, từ dưới nhà đến gần bên giường nơi ông cụ đang nằm. “Ông ơi, sáng nay Thanh Niên có bài điều tra hay quá ông ạ. Tui đọc cho ông nghe hay muốn đọc tin trước như thường lệ?”. Ông cụ cố gắng trở người, quay mặt về phía vợ, gật đầu mỉm cười tỏ vẻ đồng ý. Bà cụ kéo rèm cửa sổ rộng hơn chút, ánh nắng chan hòa khắp căn phòng, sửa gọng kính, bà cất giọng đọc rõ ràng, chậm rãi cho người chồng đang nằm trên giường nghe.
Hơn 10 tháng nay, nhịp sinh hoạt gia đình thay đổi nhưng thói quen đọc Báo Thanh Niên của vợ chồng ông Ngô Quang Trung (85 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lương Quyên (65 tuổi, ngụ số 9 Bùi Hữu Nghĩa, phường 7, quận 5, TP.HCM), một trong những bạn đọc lâu năm của báo mà chúng tôi đến thăm, vẫn diễn ra đều đặn hằng ngày.
Tiếp phóng viên trong căn nhà nhỏ, bà Quyên tâm sự: “Ông nhà tôi bị bệnh nặng, bệnh viện trả về, lúc tỉnh, lúc mê hơn 10 tháng nay rồi. Nhiều việc sinh hoạt bị đảo lộn, nhưng riêng khoản đọc Báo Thanh Niên mỗi sáng thì không hề thay đổi”.
Trong căn phòng khách, bà Quyên chia sẻ: “Thanh Niên là món ăn tinh thần của vợ chồng tôi mấy chục năm nay rồi, từ khi còn mạnh khỏe đến lúc già yếu như bây giờ. Vợ chồng tôi đặt báo dài hạn theo năm. Nghĩ kỹ một chút, đây chính là thứ khiến hai vợ chồng tôi nói chuyện cùng nhau nhiều nhất trong những năm qua”.
Ông Trung nguyên là bác sĩ quân y, bà Quyên nguyên là giáo viên Trường đại học Trần Đại Nghĩa. Hai ông bà quen và yêu nhau trước năm 1975. Mãi đến năm 1978 hai ông bà mới cưới nhau. Năm 1981, hai ông bà vui mừng đón con trai đầu lòng, năm 1986 sinh tiếp cậu con trai thứ hai. Cuộc sống cứ thế yên bình trôi qua.
Sáng sáng, đôi vợ chồng dậy sớm, cùng nhau đi bộ tập thể dục. Khi trở về, tờ báo Thanh Niên đã được người giao báo cẩn thận để ở khe cửa. Bà pha ấm trà, rồi hai ông bà vừa uống trà, vừa đọc báo, tiếp đó bắt đầu công việc hằng ngày. Cái nếp sinh hoạt giản dị mỗi sáng ấy khiến cuộc sống của đôi vợ chồng thêm gắn bó bao năm nay. “Hồi trẻ, ổng đọc cho tôi nghe. Giọng ổng trong lắm nha. Rồi khi mắt ông ấy mờ hơn, tui nhận phần đọc báo về mình. Nhiều lần trên báo có những bài phản ánh những vấn đề rất hay, đọc xong mỗi người một quan điểm nên tranh cãi. Có lần tranh cãi không xong, vợ chồng giận nhau cả ngày. Hôm sau, ổng làm lành bằng cách kêu lên: Mình ơi, hôm nay Thanh Niên có bài hay quá nè. Cứ nghe câu đó là tôi hết giận, thế là hòa...”, bà Quyên nhớ lại, ánh mắt ngời lên niềm hạnh phúc.
Những năm tháng còn làm việc, vợ chồng ông Trung luôn cắt những bài báo hay để dành và gửi bạn bè đang làm trong các cơ quan công quyền cùng đọc và có hướng giải quyết cho dân, cho nước. Gần tết, năm nào vợ chồng ông Trung cũng đặt mua tờ báo xuân Thanh Niên để dành đọc mấy ngày tết. “Tờ báo xuân được giao trước tết nhưng lúc đó vợ chồng tất bật lo tết nhất nên chậm đọc. Cứ sáng mùng 1, chúng tôi lại ngồi cạnh nhau, đọc kỹ hơn tờ báo với những câu chuyện xuyên suốt một năm qua”, bà Quyên cho biết.
Cụ Tòng bắt đầu ngày mới với tờ Thanh Niên Ảnh: Trần Hiếu
“Ba tôi mê Thanh Niên vậy đó !”
Ngày mới với người đàn ông này bắt đầu từ việc cập nhật tin tức trên Thanh Niên - tờ báo duy nhất ông “theo” từ 25 năm qua. Đó là cụ Tạ Chương Tòng, năm nay đã 88 tuổi ở phường Trà Bá, thành phố Pleiku (Gia Lai). Đều đặn mỗi ngày, cụ đọc kỹ từng mục.
Cụ Tòng nói: “Tôi nhớ không nhầm là đọc Thanh Niên từ năm 1992 rồi mê lúc nào không hay. Không có báo đọc mỗi ngày là chịu không được, cứ thấy bứt rứt, sao sao ấy. Thấy Thanh Niên ngày càng cải tiến, mừng lắm. Hình thức báo đẹp, nội dung phong phú. Tôi thích đọc mục Chào buổi sáng vì có nhiều thông tin tổng hợp, bình luận với những cây bút sắc sảo. Mục Sức khỏe - Ẩm thực của báo giúp tôi học được nhiều vấn đề để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Nhiều mục khác của báo cũng rất hấp dẫn. Gần đây sau khi cải tiến báo có thêm mục Phóng sự - Ký sự hay quá!”, cụ Tòng nói.
Năm rồi, cụ Tòng tham gia góp ý cho báo và được báo tri ân bằng phần quà 15 tháng đọc Thanh Niên miễn phí. Cụ rất vui và xúc động: “Vậy là ý kiến của tôi được báo quan tâm! Thanh Niên hay rồi! Nhưng phải mạnh mẽ, hừng hực sức trẻ hơn nữa trong các vụ chống tiêu cực, phổ biến điều hay, cái tốt đến bạn đọc. Con cháu tôi ở nước ngoài khi biết tôi được giải từ Báo Thanh Niên cũng điện thoại về hỏi thăm, chứng tỏ báo rất uy tín và có sức lan tỏa lớn cả ở cộng đồng hải ngoại”.
Căn nhà của cụ Tòng từ lâu trở thành địa chỉ quen thuộc của một số cụ phụ lão ở phường. Họ hay lui tới đọc báo, trao đổi kiến thức. Và cũng nhờ đọc báo và có trí nhớ tốt, cụ Tòng được xem như “bách khoa thư” của phường.
Cụ bà Trương Thị Quý, vợ cụ Tòng vốn là giao liên cho cách mạng ở Bình Dương. Cơ sở bị lộ, cụ Quý phải chạy về Sài Gòn rồi dạt lên Gia Lai làm kế toán cho xưởng gỗ của người chú ruột. Hai người gặp nhau và nên duyên vợ chồng từ đất Pleiku ngày ấy. Tuổi nay cũng xấp xỉ 80 nhưng hễ cụ Tòng đọc được thông tin gì hay trên Thanh Niên là hối cụ bà bỏ ngang việc để nghe. Bốn đứa con gần nhà cụ cũng vậy. Họ trở thành độc giả của Thanh Niên và việc xem báo mỗi ngày đã thành nếp.
Chị Tạ Thị Kim Ngân, con gái cụ Tòng, kể: “Ba tôi đọc báo xong là giữ gìn cẩn thận, đưa cho người trong nhà và bà con lối xóm đọc. Hôm nào ba có việc đi xa là tôi có nhiệm vụ mua tờ Thanh Niên để khi nào về thì ba đọc, không sót một số nào. Thỉnh thoảng tôi lấy mấy tờ quảng cáo của báo lót để bàn máy may còn bị la. Ba nói mình giữ lại đưa cho người khác đọc, lỡ họ cần thông tin gì của báo thì sao. Ba tôi mê Thanh Niên vậy đó!”.
“Ông bà xưa có nói: “Sống trên dương gian sao, thì xuống âm phủ cũng thế”. Cho nên chú dặn con cháu chú: Lúc chú chết ngày làm tuần, đám giỗ, ngày tết, cúng quải thường lệ đốt giấy tiền vàng mã. Nay thay không đốt, mấy cháu mua tờ báo Thanh Niên đốt xuống âm phủ cho ông để ông đọc. Như thế 50 năm đến 100 năm sau nếu báo Thanh Niên còn tồn tại trên thế gian thì âm phủ chú có báo Thanh Niên để đọc” (trích thư của cụ Tạ Chương Tòng gửi Báo Thanh Niên tháng 11.2017).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.