Chính trường Pháp rúng động vì Penelope-gate

04/02/2017 11:41 GMT+7

Những ngày qua, giới truyền thông Pháp liên tục đưa thêm thông tin về việc cựu thủ tướng nước này François Fillon tuyển dụng khống vợ con với mức lương rất cao, còn gọi là Penelope-gate.

Mọi sóng gió mà ông Fillon trải qua từ hơn 2 tuần qua xuất phát từ báo Le Canard Enchaîné. Theo báo này, khi là hạ nghị sĩ, cựu thủ tướng Pháp đã chọn vợ là Penelope Fillon làm cộng sự trong các giai đoạn từ năm 1988 - 1990, từ 1998 - 2002 và từ 2012 - 2013. Thời gian làm thượng nghị sĩ từ năm 2005 - 2007, ông Fillon cũng chọn 2 con là Marie Fillon và Charles Fillon làm trợ lý. Việc tuyển dụng người nhà không sai luật nhưng cựu thủ tướng Pháp đang bị điều tra vì bị nghi ngờ vợ con của ông chỉ làm việc ảo nhưng lại hưởng lương rất cao.
Đoạn phim tố giác
Trong lúc ông Fillon và luật sư đang tìm mọi cách chứng minh các “cộng sự gia đình” thật sự làm việc chứ không phải ngồi chơi hưởng lương thì tối 2.2, Đài France Télévisions cho phát lại một đoạn phim quay bà Penelope Fillon trả lời phỏng vấn báo Anh The Sunday Telegraph vào tháng 5.2007, khi chồng của bà vừa trở thành tân thủ tướng Pháp. Bà Fillon nói rất rõ: “Tôi chưa từng làm trợ lý, tùy viên truyền thông hay một việc gì tương tự cho chồng tôi. Khi ông là Thị trưởng Sablé-sur-Sarthe, tôi thích ngồi ở phía cuối khán phòng để nghe mọi người bình luận về những gì ông ấy phát biểu. Tôi cũng từng vài lần đến thăm các hội người cao tuổi và một số tổ chức, nhưng chỉ vậy thôi”.
Vào năm 2007, nội dung phần phỏng vấn của The Sunday Telegraph hoàn toàn để phác họa chân dung vợ thủ tướng Pháp nhưng với những diễn biến mới nhất thì những trích đoạn nói trên lại trở thành thông tin vô cùng quan trọng tố giác bà Fillon. Theo báo Le Nouvel Observateur, hợp đồng lao động của bà này yêu cầu phải làm việc trong trụ sở của đảng RPR ở thành phố Le Mans, nhưng những người làm việc tại đây khẳng định chưa từng thấy bà Fillon đến làm việc dù theo Le Canard Enchaîné, bà đã nhận tổng số lương 831.440 euro (20,2 tỉ đồng) cho nhiều năm làm “cộng sự”.
Cựu thủ tướng Pháp đến nay vẫn bác bỏ hoàn toàn những thông tin về “công việc ảo, lương thật” của vợ con. Vụ việc đang ảnh hưởng rất xấu đến sự nghiệp chính trị của ông Fillon, đặc biệt khi ông là ứng viên đại diện đảng Những người Cộng hòa (LR) tại kỳ bầu cử tổng thống Pháp vào cuối tháng 4.
Ngày 2.2, ông này nhận định trong cuộc gặp gỡ cử tri: “Đây là một âm mưu nhằm vào ứng viên tổng thống chưa từng có tiền lệ. Những thông tin công kích tôi không phải từ trên trời rơi xuống mà được chuẩn bị rất kỹ lưỡng”. Từ vị thế là gương mặt sáng giá nhất để kế nhiệm Tổng thống François Hollande, các thăm dò mới nhất cho thấy sự ủng hộ dành cho ông Fillon đều giảm. Thậm chí, theo thăm dò đăng trên tờ Les Echos ngày 1.2, ông này chỉ giành 20% số phiếu, xếp sau ứng viên cực hữu Marine Le Pen và cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron.
Uy tín của ông Fillon giảm một phần vì ông đã nhiều lần bị “hớ” khi đưa ra lập luận để bác bỏ các cáo buộc. Đáng kể nhất là để chứng tỏ sự minh bạch, ngày 26.1, cựu thủ tướng Pháp kể với Đài truyền hình TF1 rằng từng tuyển dụng “2 người con là luật sư cho một số nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với năng lực”. Ngay sau đó, Le Canard Enchaîné đưa tin trong thời gian ông Fillon làm thượng nghị sĩ từ tháng 9.2005 - 6.2007, 2 con của ông là Marie Fillon và Charles Fillon đã lần lượt được làm trợ lý trong 15 tháng (tổng lương 57.084 euro) và 7 tháng (26.651 euro). Cả hai khi ấy đều vẫn còn đang học và chưa có bằng luật sư.
Ngày 2.2, Cơ quan Chống tham nhũng và gian lận thuế, tài chính Pháp (OCLCIFF) đang phụ trách Penelope-gate đã mở rộng điều tra sang 2 người con.
“Tuyển chéo” người nhà
Nếu không tính đến nghi vấn tuyển khống và trả lương quá cao thì việc chọn người nhà làm cộng sự không phải là chuyện hiếm ở quốc hội Pháp. Theo quy định, mỗi nghị sĩ được cấp một khoản ngân sách để trả lương cho các cộng sự, có thể là thư ký và/hoặc tùy viên chính trị (soạn thảo bài phát biểu, chuẩn bị tài liệu cho các đề xuất luật...). Với khoản tiền cố định này, họ được tự do chọn số người tuyển dụng (tuyển nhiều thì lương cho nhân viên sẽ thấp), phần lớn thường tuyển 2 cộng sự. Theo trang tin Mediapart, năm 2014, ít nhất 20% hạ nghị sĩ Pháp chọn người thân làm cộng sự (52 người vợ, 60 người con). Tại thượng viện, con số này là 17%.
Sau một số thay đổi gần đây, quốc hội Pháp quy định không được trả lương cho “cộng sự vợ con” quá 4.780 euro/tháng (chưa trừ thuế) ở Hạ viện và không quá 2.500 euro/tháng ở Thượng viện. Ngoài ra, Thượng viện nước này cũng hạn chế mỗi nghị sĩ chỉ được nhận 1 người nhà làm cộng sự.
Tờ Le Monde dẫn nguồn tin riêng cho biết để đối phó với quy định mới, từng có trường hợp một số nghị sĩ “tuyển dụng chéo”, tức “tôi tuyển vợ anh, anh tuyển vợ tôi”.
Lãnh đạo cực hữu Pháp cũng tuyển khống
Những vụ như Penelope-gate thường là dịp để Chủ tịch đảng cực hữu Pháp Mặt trận dân tộc (FN) Marine Le Pen chỉ trích các đảng “truyền thống”. Tuy nhiên, lần này, bà Le Pen hầu như không có phát biểu nào đáng chú ý vì cũng đang gặp một số rắc rối về pháp lý. Trong đó, theo tờ Le Monde, Chủ tịch FN - vốn là nghị sĩ châu Âu - bị Nghị viện châu Âu (EP) yêu cầu trả lại 300.000 euro tiền lương cho 2 cộng sự “khống”.
EP cho rằng 2 “cộng sự” nhận lương của cơ quan này trên thực tế chỉ làm các công việc của FN. Bà Le Pen đã không hoàn tiền trong tháng 1 như yêu cầu nên sẽ bị cắt phần lớn lương nghị sĩ. Nhiều nghị sĩ châu Âu của FN cũng bị cáo buộc tương tự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.