Phiên chợ đặc biệt không thể thiếu trong mùa lũ
Chợ ‘âm phủ’ ở xã Vĩnh Tế được xem là nơi mua bán cá đồng lớn nhất tỉnh An Giang. Chợ do bà con ven kênh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản lập ra và hoạt động suốt hơn 20 năm nay. Nhờ chợ này mà dân nghèo sống bằng nghề câu lưới đỡ vất vả chở tôm cá đi xa bán và thu nhập cũng khấm khá hơn.
Một ngư dân chở cá đến bán tại chợ ‘âm phủ’ |
DUY TÂN |
Theo những ngư dân cao niên ở đây, sở dĩ gọi chợ Tha La là chợ ‘âm phủ’ vì chợ nhóm lúc 3 giờ, việc mua bán tôm, cá…. diễn ra chỉ khoảng 2 tiếng đồng hồ rồi tan trước khi trời sáng. Chợ tan, mặt bằng được trả lại cho các tiểu thương khác đến bày biện sạp bán đồ rẫy, thịt, cá ven đường.
Những rổ cá đồng tươi sống được tiểu thương mua lại của ngư dân |
DUY TÂN |
Trước đây, mỗi đêm, có hàng trăm ghe, xuồng đến cân cá. Những năm gần đây, lũ lớn không về, sản lượng cá, tôm đánh bắt càng ít đi nên nhiều ngư dân bỏ nghề. Tuy vậy, chợ “âm phủ” vẫn là phiên chợ đặc biệt không thể thiếu trong mùa lũ.
Chợ hoạt động ban đêm và chưa bao giờ xảy ra tình trạng giành khách, cự cãi |
DUY TÂN |
Không cãi vã làm mất lòng nhau
Thời điểm này đang là mùa lũ. Cá, tôm cũng vào mùa chạy đồng, ngư dân bắt được nhiều cá nên không khí mua bán tại chợ nhộn nhịp hẳn lên. Theo ghi nhận của PV Thanh niên, từ 3 giờ sáng, nhiều ngư dân đã đổ về chợ, mang theo nhiều sản vật mùa nước nổi, từ các loại cá đồng như cá lốc, rô, chạch, cá linh, lươn cho đến ốc, nhái, cua đồng…
Vào mùa lũ, mỗi ngày ngư dân có thể kiếm được vài triệu đồng |
DUY TÂN |
Nhiều ngư dân khệ nệ xách rổ cá đầy ắp lên bờ kênh Tha La để cân bán. Phía trên bờ, thương lái, tiểu thương đón chờ cân hàng, thậm chí xuống tận bờ kênh xách cá lên hộ cho ngư dân để kịp thời gian đi bán ở các chợ trong vùng. Giá các mặt hàng ở đây khá rẻ, dao động từ 20.000 đến hơn 100.000 đồng/kg. Điển hình là cá linh non, đặc sản mùa nước nổi, chỉ khoảng 80.000 - 90.000 đồng/kg.
Cá chạch đồng được ngư dân đánh bắt bán tại chợ |
DUY TÂN |
Bà Phan Thị Tuyết Hoa (50 tuổi, ngụ xã Vĩnh Tế, TP.Châu Đốc), gắn bó với chợ hơn 10 năm qua, cho biết hồi trước lũ lớn, cá tôm dồi giàu, bao la, mỗi ngày bà bắt được 30 - 40 kg. Giờ thì ít hơn hẳn, còn chừng 10 kg. Cá cũng kém phong phú hơn, chủ yếu bắt được cá linh, cá chạch, lươn, cua đồng…
Nguồn cá rô dồi dào |
DUY TÂN |
‘Tuy mùa lũ những năm này nguồn thủy sản đánh bắt ít hơn hẳn nhưng cũng kiếm được đồng ra, đồng vô. Ngày thường tôi kiếm được khoảng 200.000 - 300.000 đồng, đến mùa lũ có khi kiếm cả triệu đồng mỗi ngày’, bà Tuyết chia sẻ.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Bảy (55 tuổi, ngụ xã Vĩnh Tế) cho biết: ‘Những người buôn bán ở chợ này đều quen mặt cả. Ai cũng có mối lái riêng. Tuy hoạt động ban đêm nhưng chưa bao giờ xảy ra tình trạng giành khách, cự cãi. Cứ thuận mua vừa bán, không cãi vã làm mất lòng nhau’.
Cá linh, đặc sản mùa lũ, được bán tại chợ với giá khá rẻ |
DUY TÂN |
Chị Nguyễn Thị Lụa (40 tuổi, ngụ xã Vĩnh Tế), cho biết, giá cá đồng ở chợ ‘âm phủ’ rẻ hơn nhiều so với các nơi. Mỗi ngày, chị tranh thủ đến đây cân tôm, cá rồi đem xuống chợ Châu Đốc bán lại. Hầu hết là cá đồng nên được khách ưa chuộng, bán được giá hơn.
Bình luận (0)