Chợ bình dân ở làng đại học

18/02/2012 03:18 GMT+7

Không cần phải đi đâu xa, sinh viên (SV) ở làng đại học (Q.Thủ Đức, TP.HCM) vẫn có thể mua sắm những thứ mình cần.

Không cần phải đi đâu xa, sinh viên (SV) ở làng đại học (Q.Thủ Đức, TP.HCM) vẫn có thể mua sắm những thứ mình cần.

Phong phú và rẻ

Từ 17 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, một số tuyến đường dẫn vào ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM có khoảng vài chục gian hàng từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ trang sức, dịch vụ ăn uống… được bày bán để phục vụ nhu cầu của những “thượng đế” trẻ. Không khí ở đây lúc nào cũng tấp nập bởi người mua kẻ bán í ới rất vui nhộn.

Lê Thị Hải Yến, SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Các mặt hàng rất phong phú, đa dạng, giá cả lại “mềm”, thậm chí có món chỉ vài chục ngàn đồng nên rất phù hợp với túi tiền của SV. Hơn nữa, chợ họp gần khu vực ký túc xá, khu nhà trọ nên việc đi lại rất thuận tiện. Chỉ mất khoảng vài phút đi bộ từ phòng trọ là mình có thể đến chợ rồi”. Còn Phương Thảo, SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết lý do thường xuyên mua sắm tại đây là vì: “Mua hàng ở đây rất thoải mái vì các ông chủ, bà chủ bán hàng phần lớn cũng là SV nên rất dễ chịu. Mình có thể vô tư lựa chọn, nhiều khi mua hàng về nhà rồi nhưng không ưng ý, mang ra đổi lại họ cũng vui vẻ chứ không cáu gắt như những chỗ khác”.

 
Các mặt hàng trong chợ được bán với giá rất mềm - Ảnh: Lê Thanh

Theo các SV, nhiều mặt hàng ở đây được bán với giá bình dân và thường rẻ hơn trong cửa hàng từ 20 đến 30%. Minh Tuấn, SV năm 2 Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, khoe: “Mình mới mua được một cái ba lô rất đẹp giá chỉ có 180.000 đồng. Trong khi đó, cái ba lô giống hệt như thế mà mình xem trước đó tại một nhà sách có giá gần 300.000 đồng. SV tụi mình sống nhờ gia đình là chính, vì vậy mua rẻ được chừng nào thì đỡ gánh nặng cho bố mẹ ở quê chừng ấy”.

Thư giãn và học hỏi kinh nghiệm

Nhiều bạn không có nhu cầu mua sắm vẫn thích dạo chợ vào mỗi buổi tối.

Thanh Hương, SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên, tâm sự: “Ở phòng trọ thì chật chội, còn ra quán cà phê thì tốn kém, vì vậy để thư giãn sau giờ học căng thẳng, mình thường dạo quanh các gian hàng để xem họ mua bán, mặc cả thế nào. Và đó không chỉ là thú vui của riêng mình mà còn là sở thích của một số bạn bè cùng phòng trọ”. Hoài Thu, SV năm 3 Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết: “Mỗi khi đi học về, mình thường nán lại những gian hàng thời trang để ngắm nghía một chút”. Với Thu Trang, SV năm 2 Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, thì: “Dạo chợ không những là thú vui mà qua đó bạn trẻ còn học hỏi được kinh nghiệm từ việc kinh doanh của những ông chủ, bà chủ SV, từ đó giúp nhiều người nung nấu, khơi gợi tinh thần khởi nghiệp của chính bản thân”.

Lê Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.