Trải qua gần một thế kỷ, chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM), một trung tâm thương mại tấp nập và điểm thu hút rất đông khách du lịch, nay đã xuống cấp và hư hỏng nhiều hạng mục.
Chợ Bình Tây hiện nay - Ảnh: Quỳnh Trân
|
Kiến trúc độc đáo
Theo họa sĩ Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, chợ Bình Tây (hay còn gọi là chợ Lớn mới) do ông Quách Đàm, một thương gia người Hoa, đầu tư. Chợ khởi công năm 1928 và hoàn thành năm 1930 trong khu vực buôn bán sầm uất, nhiều người giàu có.
Còn nhà văn Lý Nhân Phan Thứ Lang, chuyên nghiên cứu về Sài Gòn xưa, cho biết: “Quách Đàm là người Hoa chính gốc lưu lạc sang đất Nam bộ với đôi quang gánh làm nghề thu gom ve chai khắp hang cùng ngõ hẻm, tối đến ngủ dưới mái hiên chợ. Khoảng vài năm, Quách Đàm dành dụm được một số vốn lận lưng xoay qua nghề mua da trâu, vi cá và bong bóng cá rồi phất to. Lúc bấy giờ, chợ Lớn cũ (nền đất Bưu điện Chợ Lớn hiện nay) quá nhỏ, không đủ chỗ cho việc buôn bán nên khi vừa nghe tin có người bán miếng đất sình lầy rộng trên 25.000 m2 ở thôn Bình Tây vào khoảng năm 1920, Quách Đàm chớp thời cơ mua ngay và cho san lấp bằng phẳng, xây dựng chợ mới bằng bê tông cốt thép để tặng nhà nước”.
Ông Phạm Ngọc Trung, Chánh văn phòng Ban Quản lý chợ Bình Tây cho biết: “Chợ Lớn mới áp dụng kỹ thuật xây dựng hiện đại của Pháp thời bấy giờ. Hệ thống móng nền làm bằng đá sỏi, bê tông chắc chắn nên không có hiện tượng sụt, lún. Chợ hoàn thành rất khang trang, sạch sẽ trên khuôn viên đất khá rộng. Ngay khi được đưa vào hoạt động, với lợi thế về giao thông thủy bộ cũng như tay nghề kinh doanh của bà con tiểu thương người Việt và người Hoa, chợ nhanh chóng trở thành khu kinh doanh sầm uất, giữ tính chất đầu mối bán buôn khắp Nam kỳ lục tỉnh, sang tận Lào, Campuchia, Trung Quốc…”.
Sau ngày đất nước thống nhất, chợ Lớn mới được đổi tên là chợ Bình Tây. Theo Phó ban Quản lý chợ Bình Tây Cao Văn Thành: “Chợ Lớn mới cũng có tháp đồng hồ để người đi chợ xem giờ na ná như chợ Bến Thành. Điểm độc đáo nhất là kiểu kiến trúc xây dựng theo hình bát quái, gồm 12 cổng (cả phụ và chính), bên trong có hoa viên rộng rãi để khách ngồi nghỉ ngơi, nhìn 4 con rồng đang phun nước xuống hồ và 4 con kỳ lân… giữ của. Đây là ngôi chợ cổ nổi tiếng, hằng năm có trên 120.000 lượt khách nước ngoài đến mua sắm và tham quan”.
Muốn sửa, phải chờ được xếp hạng
Theo sự hướng dẫn của ông Phạm Ngọc Trung, PV Thanh Niên đã chứng kiến sự xuống cấp của ngôi chợ gần 90 tuổi này. Nhiều mái ngói trong khu nhà lồng chợ bị mục nát. Từng có khách và tiểu thương bị thương vì bị ngói rơi trúng nên ban quản lý buộc phải dùng lưới để che chắn tạm thời. Ngói hư, khi trời mưa nước mưa chảy vào một số sạp hàng gây hư hỏng hàng hóa nên tiểu thương phải lấy bạt che tạm. Hệ thống rui, mè... của chợ cũng đang có dấu hiệu nứt, gãy, buộc phải gấp rút thay mới nếu không nguy hiểm sẽ khó lường.
Mái ngói bị mục dễ rơi xuống, phải sử dụng tấm lưới để che chắn
|
Ông Cao Văn Thành băn khoăn: “Quận đã có chủ trương cho di dời các sạp hàng ở những khu vực bị hư hỏng ra phía trước để sửa chữa với điều kiện không được thay đổi kết cấu, kiến trúc. Chúng tôi cũng đang chờ ý kiến của Trung tâm bảo tồn di tích (Sở VH-TT TP.HCM) để sửa chợ vì xuống cấp quá rồi”. Ông Phạm Ngọc Trung cho biết thêm: “Năm 2014, Trung tâm bảo tồn di tích có văn bản yêu cầu làm hồ sơ đề nghị công nhận di tích và chúng tôi cũng đã hoàn thành theo các yêu cầu để được xếp hạng di tích phần nhà lồng chợ, còn phần hạng mục xây dựng sau này, không nằm trong khu vực sẽ được bảo tồn thì vẫn tiến hành sửa chữa bình thường”.
Trao đổi với PV Thanh Niên về lý do tại sao chợ Bình Tây chậm được xếp hạng di tích trong đợt vừa rồi trong khi chợ đang xuống cấp, cần được sửa chữa, ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích (Sở VH-TT TP.HCM), lý giải: “Do thủ tục công nhận di tích làm rất lâu, phải trình qua hội đồng xét duyệt di tích đồng ý thì mới tiến hành lập hồ sơ, trong khi đó số lượng di tích của TP số lượng khá nhiều nên trung tâm phải làm từng đợt. Vì chợ Bình Tây là công trình kiến trúc nghệ thuật nên hội đồng yêu cầu trung tâm phải trình bày lại, quay phim toàn bộ các góc cạnh của di tích để chiếu lên mới đánh giá cho chính xác, chứ mới chụp hình và có đơn thì vẫn chưa đủ nên vẫn phải chờ đúng trình tự”.
Xây chợ vì muốn... được đặt tượng
Cũng theo nhà văn Lý Nhân Phan Thứ Lang, khi xây chợ Bình Tây tặng nhà nước, ông Quách Đàm có nguyện vọng hơi “chơi nổi” là xin... đặt tượng chân dung mình tại chợ. Việc đó chẳng mấy khó khăn nên nhà nước Nam kỳ lúc đó chấp thuận ngay.
Tượng ông Quách Đàm làm bằng đồng, thuê đúc tận bên Pháp được gia đình ông dựng lên vào năm 1930 trên bệ cao, dưới chân tượng có kỳ lân chầu và rồng phun nước. Xung quanh ngôi chợ bề thế với lối kiến trúc đậm nét Á Đông này, tỉ phú Quách Đàm cho xây những căn phố lầu để cho dân buôn bán thuê, thu khoản lợi nhuận kếch xù. Hiện bệ thờ ông Quách Đàm vẫn còn ở khu vực hoa viên chợ nhưng tượng cũ thì đang được bảo quản trong bảo tàng.
|
Bình luận (0)