Chợ “độc”
Chợ bò Tà Ngáo đã hình thành từ khá lâu và hiện được xem là chợ bò lớn nhất ở miền Tây. Ông Chau Sóc - một hộ nuôi bò, đồng thời cũng là lái bò có tiếng ở xã An Phú - cho biết hồi ấy, bà con trong các phum, sóc ở vùng Bảy Núi có nhu cầu chăn nuôi bò vỗ béo và sử dụng sức kéo rất lớn; trong khi nguồn giống bò tốt ở đồng bằng lại rất hiếm. Do đó, bà con phải sang tỉnh Tà Keo (Vương quốc Campuchia) mua bò. Đặc biệt, có người còn qua tận Phnom Penh (có khi qua cả Lào, Thái Lan) tìm nguồn bò “chiến” về huấn luyện thành bò đua với mong muốn giành chiến thắng để được nhận lời khen của ông Lục trong chùa vào dịp Lễ hội đua bò.
|
Dần dà, việc giao dịch, mua bán trâu bò được tổ chức ngay tại khu vực biên giới, nhưng không cố định vị trí. Sau đó, để việc mua bán diễn ra thuận tiện, các lái bò đã chọn khu đất trống tại xã An Phú (H.Tịnh Biên) làm điểm giao dịch. Buôn bán riết rồi thành quen, từ một điểm giao dịch nhỏ lẻ, nơi đây trở thành chợ bò nhộn nhịp, nổi tiếng khắp miền Tây. Đến năm 2006, chợ bò Tà Ngáo được thành lập, do Công ty TNHH MTV 622 (Quân khu 9) kiểm soát. Cũng từ đây, chợ bò Tà Ngáo hoạt động theo phương thức chuyên doanh. Hiện nay, bình quân mỗi ngày chợ bò Tà Ngáo thu mua, trao đổi khoảng 500-600 con trâu, bò các loại.
Trung tâm mua bán trâu bò
Những năm gần đây, mặc dù giá bò trên thị trường tăng vọt nhưng ở chợ bò Tà Ngáo, sức mua bò làm thịt và nuôi vỗ béo của người dân vẫn rất cao. “Anh em trong xã tui thường đến chợ mua bò về vỗ béo. Bò ở đây nuôi khoảng 3-4 tháng có thể xuất chuồng bán, kiếm lời vài triệu đồng/con. Số lượng bò ở đây nhiều, mặc sức mà chọn lựa, giá cả cũng thấp hơn ở chỗ khác. Nhờ vậy tụi tui có lời nhiều”, ông Nam (ngụ xã Ô Long Vĩ, H.Châu Phú, An Giang) cho biết.
|
Đặc biệt, do chợ bò Tà Ngáo nằm gần quốc lộ 91 nên rất thuận tiện cho việc vận chuyển. Từ nhiều năm qua, nơi đây được xem là “điểm hẹn” của các thương lái chuyên doanh trâu bò đến từ các tỉnh thành ở ĐBSCL, TP.HCM, miền Đông Nam bộ và kể cả các tỉnh thành miền Trung. Vào buổi sáng sớm, bò được người dân Campuchia chở bằng trẹt băng đồng sang biên giới nườm nượp. “Những người trao đổi, mua bán bò với lái Campuchia phải biết chút ít tiếng nước bạn thì mới làm ăn được. Thường, việc buôn bán bò ở đây sử dụng bằng tiền ria (1 ria tương đương 5,2 đồng). Khi thỏa thuận giá cả xong, tụi tui trả tiền mặt sòng phẳng với đối tác”, một lái bò ở đây cho biết.
Ngoài việc mua bán bò, nhiều dịch vụ cũng phát triển theo như: cắt cỏ cho bò ăn, chăn dắt bò, thuê mặt bằng “rọng” bò… Những công việc “ăn theo” này đã giải quyết việc làm cho trên 500 lao động ở vùng biên giới, thu nhập khoảng 100.000 đồng/người/ngày.
Đại tá Lê Văn Luông, người phụ trách chợ bò Tà Ngáo cho biết, mỗi tháng chợ bò Tà Ngáo cung ứng từ 4.000-5.000 con bò cho thị trường. Nguồn bò chủ yếu của địa phương và nhập từ các tiểu thương Campuchia. Sau đó, bò được đưa vào khu cách ly để vệ sinh, kiểm dịch tiêm phòng bệnh chặt chẽ, rồi cho lên xe chở về các chợ đầu mối.
Dự kiến trong thời gian tới, địa phương sẽ kiến nghị với T.Ư, xin hỗ trợ khoảng 14 tỉ đồng để mở rộng thêm 3 ha, thành lập chợ chuyên doanh bò Tà Ngáo. Đây là một trong 5 chợ mang tầm chiến lược của H.Tịnh Biên: chợ bò Tà Ngáo, chợ biên giới Tịnh Biên, chợ Nhà Bàng, chợ Đường Sứ An Nông và bến bãi Trà Sư Nhà Bàng.
Trường An
Bình luận (0)