Nhìn lại câu chuyện xuất khẩu khẩu trang suốt thời gian qua mới thấy, vấn đề điều hành, quản lý thị trường này có sự lệch pha rõ rệt. Lúc cần chặt thì lỏng và ngược lại...
Còn nhớ thời điểm tháng 3, khi các nước đang quay cuồng với sự thiếu hụt trầm trọng khẩu trang y tế nói riêng và đồ bảo hộ y tế nói chung cho việc phòng chống dịch, Việt Nam được đánh giá có thể trở thành công xưởng sản xuất khẩu trang của thế giới.
Thế nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) có năng lực, thậm chí có sẵn hàng vào thời điểm đó bất lực nhìn cơ hội qua đi mà không thể “làm bàn” bởi các quy định để có thể bán hàng ra nước ngoài quá chồng chéo, thậm chí có những quy định vô lý, rất khó đáp ứng.
Đơn cử, muốn xuất khẩu, DN phải bán hoặc hỗ trợ cơ sở y tế trong nước số lượng tối thiểu bằng 20% số lượng ghi trong tờ khai xuất khẩu.
Nhưng đâu phải DN nào cũng ký bán ngay được cho cơ sở y tế và ngược lại, đâu phải cơ sở nào cũng có nhu cầu, hoặc có nhu cầu nhưng ít hơn 20%. Đó là chưa kể giá bán khẩu trang y tế cho các cơ sở trong nước lại thấp hơn nhiều so với thị trường trong khi chi phí nguyên liệu đã tăng cao... nên DN cũng chẳng mặn mà.
Thế nên dù sản lượng trong nước thời điểm đó dư, khẩu trang vẫn tắc đường ra thế giới. Tất cả để Bộ có thẩm quyền về vấn đề này “chắc ăn” phần trách nhiệm của mình. Trong bối cảnh khó khăn, đơn hàng bị hủy bỏ hoặc tạm ngưng nhưng phải nhìn cơ hội tuột qua tầm tay, không ít ông chủ DN dệt may ngao ngán thở dài bất lực.
Còn đến thời điểm hiện nay, nhu cầu khẩu trang trong nước đã được đáp ứng đầy đủ thì việc kiểm soát, giám sát chất lượng khẩu trang bắt đầu bị buông lỏng. Chính Bộ Công thương trong thông báo mới nhất của mình thừa nhận, nhu cầu tăng đột biến khiến cho thị trường xuất khẩu các mặt hàng trên tăng trưởng nóng và có dấu hiệu không kiểm soát được về mặt chất lượng, tạo nguy cơ ảnh hưởng đến hình ảnh hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Một số sản phẩm khẩu trang vải, khẩu trang y tế không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với tiêu chuẩn, đặc điểm của người nước ngoài. Việc này, chẳng phải đến bây giờ mới biết.
Chuyện hàng loạt DN lao vào may khẩu trang “không màng chất lượng” đã được cảnh báo khá nhiều. Chủ một DN may lớn tại TP.HCM tiết lộ, rất nhiều DN may từ nhỏ đến lớn thời gian qua lao vào sản xuất khẩu trang như một biện pháp “giải cứu” khi các hợp đồng dệt may với đối tác nước ngoài bị đình đốn và hủy bỏ.
Tuy nhiên, do chất lượng không đạt, nhu cầu tại thị trường trong nước cũng giảm nhiệt nên tồn kho tăng cao. Sau một thời gian loay hoay, không ít trong số này sẽ tìm cách xuất ngoại vì nhiều nước trên thế giới vẫn đang thiếu khẩu trang trầm trọng. Thế nên, không kiểm soát chặt ở cửa khẩu, không chỉ hàng hóa Việt Nam bị mất uy tín mà còn ảnh hưởng đến cả nỗ lực chống dịch của Việt Nam, đang được thế giới ca ngợi.
Chuyện không chỉ là chiếc khẩu trang, đó chính là uy tín của hàng Việt, DN Việt trên thị trường thế giới. Đây mới chính là chỗ cần các cơ quan có thẩm quyền liên quan phải kiểm soát chặt chẽ.
Bình luận (0)