Chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp tại Việt Nam gia tăng theo dịch chuyển đầu tư

Mai Phương
Mai Phương
03/06/2020 13:41 GMT+7

Việt Nam là một trong những nơi được nhiều doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn đầu tư nhưng cũng dễ trở thành nơi theo dõi, điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), do có chính sách thuận lợi đối với đầu tư nước ngoài, Việt Nam là một trong những lựa chọn của các doanh nghiệp nước ngoài khi quyết định dịch chuyển sản xuất. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận năng lực sản xuất mới, xuất khẩu từ Việt Nam tăng nhanh khiến Việt Nam dễ trở thành đối tượng theo dõi, điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại bổ sung của nước nhập khẩu.
Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do các đối tác nhập khẩu nghi ngờ hàng hóa chưa đáp ứng điều kiện “chuyển đổi đáng kể” tại Việt Nam. Đặc biệt, các nghi ngờ về hàng hóa của Việt Nam “chuyển đổi đáng kể” chủ yếu tập trung vào các mặt hàng đang bị áp thuế phòng vệ thương mại được xuất khẩu với số lượng lớn, gia tăng đột biến sang các nước hoặc các mặt hàng bị nghi ngờ về năng lực sản xuất của Việt Nam.
Trong giai đoạn 2000 – 2016, đã có 15 vụ việc điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trung bình có 1 vụ/năm. Nhưng từ năm 2017 – quý 1/2020, đã có thêm 7 vụ việc mới được khởi xướng điều tra, tăng lên trung bình mỗi năm đã có 2 vụ việc, gấp đôi so với trước đó.
Trong đó, Mỹ là quốc gia điều tra lẩn tránh thuế nhiều nhất với Việt Nam với 10 vụ việc, chiếm tỷ lệ gần 50% tổng số vụ việc. Thậm chí gần đây Mỹ cũng tự khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế với sản phẩm thép tấm không gỉ của Việt Nam mà không căn cứ trên yêu cầu của các doanh nghiệp. Đây là việc tương đối hiếm, cho thấy Mỹ đang tăng cường quản lý các mặt hàng đã bị áp thuế phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó, Mỹ sẵn sàng tiếp nhận các yêu cầu điều tra về lẩn tránh thuế mặc dù nguyên đơn trong vụ việc đã nộp quá thời hạn quy định. Hơn nữa, sản phẩm bị kiện của Việt Nam không giới hạn ở các mặt hàng công nghiệp mà còn có nguy cơ gia tăng ở nhóm sản phẩm nông nghiệp.
Dự kiến xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng khi Việt Nam có những dấu hiệu về dịch chuyển đầu tư cũng như phạm vi, số lượng sản phẩm bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đang gia tăng.
Do đó, Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh, nếu Việt Nam không có các biện pháp tích cực để xử lý vấn đề lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt thông qua gian lận xuất xứ, thì có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, ngành hàng cụ thể, mà lâu dài còn tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế trong bối cảnh tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại tự do có yêu cầu cao về xuất xứ. Đặc biệt, trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang gia tăng đối với nhiều nhóm sản phẩm như thép, nhôm, nông sản, thủy sản…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.