Thế nên, ai cũng ngã ngửa khi bùn nhôm carbon và bùn bauxite do Formosa nhập về lại không thuộc danh mục phải kiểm tra chuyên ngành.
Để thấy rõ nhất nghịch lý này, chúng ta cần biết kiểm tra chuyên ngành là nút thắt lớn nhất trong cải cách thủ tục hải quan hiện nay và là nỗi khốn khổ, ám ảnh với hầu hết các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu. Thậm chí, có DN còn cho rằng đang tồn tại những quy định "quái dị" về kiểm tra chuyên ngành. Đơn cử, trường hợp một DN nhập khẩu chiếc xe Harley đời mới nhất tại thời điểm nhập nhưng cơ quan đăng kiểm yêu cầu gỡ chiếc đèn xe đưa ra Hà Nội kiểm tra, vì trung tâm tại TP.HCM chỉ kiểm nghiệm phần thân và động cơ. Lại có trường hợp cá nhân bức xúc kiến nghị các cơ quan chức năng vì được người nhà gửi cho vài hộp sữa Ensure Abbot (Mỹ) nhưng bị giữ lại 15 ngày để kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm với chi phí hơn 1 triệu đồng. Tương tự, suốt 7 - 8 năm qua, các DN dệt may VN lao đao mệt mỏi với quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm có trong sản phẩm dệt may của Bộ Công thương. Đáng nói là trong suốt quãng thời gian thực hiện quy định này với 8.000 lô hàng/năm nhưng chỉ phát hiện... 6 mẫu vải vượt hàm lượng quy định. Rất nhiều DN kiểm tra hàng trăm lần, hàng ngàn lần chưa vi phạm lần nào, nhưng nhập vài chục mét vải mẫu cũng bị giữ lại để kiểm tra. Các DN xuất nhập khẩu thực phẩm thì còn khốn khổ hơn. Câu chuyện 7 bộ, ngành quản lý cây xúc xích được nêu ra trước đây là điển hình cho sự chồng chéo trong quản lý cũng như sự khốn khổ của DN trong lĩnh vực này.
Theo thống kê, hiện tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành của VN lên tới 35% trong tổng số các lô hàng mỗi năm, cao gấp 2,5 lần so với các nước trong khối TPP và gấp 3 lần so với EU. Thời gian thông quan hàng hóa bị kéo dài cũng vì nguyên nhân này, khi chỉ riêng kiểm tra chuyên ngành đã chiếm hơn 7 ngày trong trung bình 10 ngày đối với hàng nhập khẩu và 12 ngày đối với hàng xuất khẩu. Nói thế để thấy, kiểm tra chuyên ngành ở VN bị "siết" cực chặt. Ấy thế mà bùn bauxite, một loại phế thải độc hại mà nhiều nước không cho nhập khẩu, lại lọt ra ngoài danh sách này, để DN vô tư chở từ Trung Quốc về VN. Tất nhiên, với mặt hàng không thuộc danh mục cấm, không thuộc mặt hàng quản lý chuyên ngành và không phải kiểm tra nhà nước về chất lượng thì việc Formosa sử dụng nó vào việc gì, như thế nào, sử dụng ở đâu có lẽ cũng chẳng ai quan tâm. Đó là chưa kể, xung quanh chuyện nhập bùn thải của Formosa còn rất nhiều vấn đề được đặt ra. Theo một số chuyên gia, bùn bauxite có thể là bùn đỏ từ quá trình luyện alumina, bùn này độc và không thể vận chuyển xa được vì khi rung lắc dễ sinh ra nhão ướt. Nên chất mà Formosa nhập vào ở Hà Tĩnh dạng bột khô và có thể đây là fireclay, dùng để làm gốm sứ, nhất là làm vật liệu chịu lửa cho ngành luyện kim. Quan sát trên bao bì chứa bùn thải mà Formosa nhập về bị cơ quan chức năng kiểm tra cũng có ghi chữ fireclay. Theo TS Tô Vân Trường, fireclay thì VN không thiếu nên nếu Formosa phải nhập thì đây cũng là vấn đề phải làm rõ.
Dù là bùn bauxite, bùn nhôm, fireclay hay bất cứ loại gì đi chăng nữa, thì việc các loại bùn thải, phế liệu được nhập vô tư đang khiến VN tiến gần hơn đến nguy cơ trở thành bãi thải của thế giới.
Bình luận (0)