“Không nên! Lợi bất cập hại!” - người bạn thân nhất của chị Hương gạt phăng đi khi chị vừa mở lời. Trong khi đó, một người bạn khác lại khuyến khích: “Thời buổi này, con nít xài ĐTDĐ đầy ra đấy, có sao đâu! Mình muốn biết con đang ở đâu, làm gì, chỉ cần a-lô một phát là xong”. Người bạn thứ ba lấy chuyện gia đình ra chia sẻ: “Ông xã mình có tính vô lo, đã mấy lần… bỏ quên con trên trường do mải đi nhậu. Nếu không có điện thoại để gọi “méc” mình, chắc thằng nhỏ chờ người rước về đến dài cổ”.
Trước nhiều ý kiến khác nhau như vậy, mẹ cu Bo vẫn còn băn khoăn. Và chị tìm đến nhà tư vấn...
TS Thạch Ngọc Yến - chuyên viên tư vấn tâm lý giáo dục Trung tâm công tác xã hội trẻ em TP.HCM nhìn nhận rằng hiện nay, trẻ sử dụng ĐTDĐ từ rất sớm. TS Yến nói: “Nhiều học sinh dùng điện thoại không chỉ để trao đổi với cha mẹ mà còn làm những chuyện khác như hẹn hò, chát chít dẫn đến xao nhãng học hành và dễ gặp những rủi ro khác. Có những em bị cha mẹ cấm nhắn tin vào ban đêm nhưng đã nghĩ ra mấy “tuyệt chiêu” như… chui vô mền hoặc vô nhà tắm để bấm lia lịa. Theo tôi, tốt nhất là nên để các cháu lên ĐH mới sử dụng ĐTDĐ vì lúc đó các cháu đã chín chắn”.
Bà Yến còn cho hay, có những phụ huynh không kìm nén cảm xúc, đôi khi đánh đập dằn vặt con khi nó không chịu nhấc máy, hoặc ngang nhiên lục soát tin nhắn của con - tức đã xâm phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của con mình. “Đừng quên rằng nếu mình muốn dùng ĐTDĐ để điều khiển con cái thì chúng nó cũng có thể điều khiển lại mình. Không nên cho con lệ thuộc sớm vào những phương tiện. Trước đây, tuy không có điều kiện thuận tiện để liên lạc nhưng những bậc phụ huynh vẫn làm tròn trách nhiệm. Còn bây giờ, có những người ỷ lại chiếc điện thoại rồi đâm ra trễ nải” - TS Yến lưu ý.
Ở góc độ khác, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - giảng viên khoa Tâm lý giáo dục, trường ĐH Sư phạm TP.HCM lại khẳng định: “Bản chất của việc cho trẻ sớm sử dụng ĐTDĐ là không nguy hiểm. Quan trọng là cách dùng tốt hay xấu mà thôi”. Thạc sĩ Hiếu dẫn chứng: Hơn nửa năm nay, đứa cháu ruột của anh đã sử dụng phương tiện này một cách “ngon lành”, mặc dù cháu bé mới 5 tuổi. “Mẹ đi làm xa, cháu trao đổi với mẹ thông qua chiếc điện thoại. Thậm chí, cậu bé còn dùng cái a-lô để… giao lưu, mở rộng mối quan hệ với một số đồng nghiệp của tôi. Và những anh chị ấy cũng thấy thú vị khi có một người bạn nhỏ tin cậy chia sẻ với mình” - anh Hiếu vui vẻ kể. Chỉ có một điều nho nhỏ cần cảnh báo, đó là: Không nên cho trẻ sử dụng ĐTDĐ đắt tiền để tránh tình trạng trẻ bị trấn lột, cướp giựt hay đua đòi, lấy “le” với bạn.
Như Lịch
Bình luận (0)