Kiểm soát quá trình sản xuất, canh tác đúng cách
Ngày 13.10, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) phối hợp cùng Câu lạc bộ Phóng viên kinh tế nông nghiệp tổ chức hội thảo về tình hình kiểm soát nguồn gốc thực phẩm trên thị trường. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch AFT, cho biết: “Để chuẩn bị cho hội thảo này, đích thân tôi đã đi thực tế tại các chợ đầu mối để ghi nhận quy trình mua bán, giao dịch rau củ quả. Hiện nay nguồn rau về các chợ đầu mối rất phong phú, đa dạng. Tuy nhiên có một thực tế là hầu hết rau củ trong nước khi tập trung về chợ đều không có nhãn mác, việc ghi sổ cập nhật số liệu đều thực hiện bằng phương pháp thủ công, lẽ dĩ nhiên không thể chính xác và hoàn toàn có thể chỉnh sửa, thêm bớt…”.
Lo ngại thực phẩm bẩn nhưng người tiêu dùng vẫn ham của rẻ |
Chí Nhân |
Ông Nguyễn Bình Phương, Phó giám đốc kinh doanh tiếp thị Công ty CP quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức (Thủ Đức Argomarket), thừa nhận: “Khi rau củ từ các nơi đổ về chợ, chúng tôi chỉ có thể thống kê chủng loại, địa phương cung cấp, giá bán, còn về chất lượng thì không thể kiểm soát được. Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ rau đã được phân phối tỏa đi khắp nơi, đến cả Bình Dương, Đồng Nai…Tại chợ đầu mối Thủ Đức, thương nhân tự mua bán và trao đổi, chợ chỉ là nơi trung chuyển hàng hóa. Rau Lâm Đồng chiếm 50% rau nhập ở chợ, còn lại là rau nhập khẩu và các địa phương khác. Trong khi đó, để có kết quả xét nghiệm phải mất ít nhất từ 2 - 3 ngày, do đó phải dùng giải pháp test nhanh để lưu thông hàng hóa và cách này độ chính xác chỉ ở mức độ tương đối. Việc kiểm soát, theo tôi nghĩ, trước hết nằm ở vùng trồng chứ chợ không thể làm nổi”.
Ông Lý Hoàng Hải, Giám đốc Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng, một đơn vị thực hiện test, khẳng định: "Test có kết quả sớm 24 tiếng, chậm phải 3 ngày. Test nhanh ra kết quả với rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hàm lượng cao, còn thấp thì không phát hiện được. Trong khi một ký rau giá chỉ có vài chục ngàn đồng, chi phí xét nghiệm rất đắt, mấy trăm nghìn đồng, nên nói kiểm soát được sản phẩm ở khâu cuối cùng là không thể và vô lý. Chỉ kiểm soát quá trình sản xuất, canh tác đúng cách để có sản phẩm tốt".
Ra đến nơi bán lẻ thì hàng Trung Quốc thành Mỹ, Hàn
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh phân tích: “Thị trường thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả, đang xảy ra thực trạng “người dân thà bỏ tiền cho bác sĩ chữa bệnh chứ không bỏ nhiều tiền hơn để dùng thực phẩm sạch”. Trong khi đó, việc sử dụng thực phẩm không đảm bảo chất lượng để lại rất nhiều hệ lụy cho xã hội. Các nơi sản xuất thì buộc phải giảm giá thành đến mức thấp nhất có thể để cạnh tranh. Muốn dùng thực phẩm sạch mà rẻ thì không thể nào có được, nên các doanh nghiệp lẫn người sản xuất đều loay hoay bài toán “con gà, quả trứng””.
Minh chứng cho tâm lý sính hàng ngoại, ông Phan Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý an toàn thực phẩm và môi trường (chợ đầu mối nông sản Hóc Môn), kể: “Hiện nay rau củ từ Trung Quốc nhập về VN rất nhiều, có những loại chiếm tỷ lệ lớn như súp lơ, cải thảo, cà rốt… Nhiều loại nấm như nấm kim châm, nấm đùi gà mình không sản xuất được thì nhập khẩu từ Trung Quốc. Mặc dù quy trình kiểm soát có giấy kiểm nghiệm, hồ sơ từ cửa khẩu nhưng điều đáng nói là khi ra đến các xe bán lẻ thì lại biến thành nho Mỹ, nho Hàn Quốc. Thực chất là nho Trung Quốc mới có giá rẻ như vậy, chứ nho Mỹ thì giá rất cao, làm gì có chuyện đẩy xe ra ngoài đường bán? Nhưng dân mình vẫn ham rẻ và sính ngoại nên rất dễ bị gạt”.
Ông Trần Nguyên Chí, Giám đốc Công ty nông sản Nguyên Lộc, chia sẻ: “Tôi luôn trăn trở tại sao những doanh nghiệp sản xuất nghiêm túc thì thu nhập lại rất bấp bênh, còn những nơi làm ẩu, làm bẩn lại sống khỏe? Tại sao người tiêu dùng muốn dùng thực phẩm sạch nhưng lại kêu than thực phẩm sạch giá quá cao? Hiện nay người nông dân, nhà sản xuất có tâm, mong muốn được làm quy trình tốt thì hầu hết phải “tự bơi”, tự đầu tư từ kỹ thuật đến khâu tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt phải chịu áp lực cạnh tranh về giá… Do đó, doanh số bấp bênh nên việc phát triển sản xuất cũng cực kỳ khó khăn, dẫn đến quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún”.
Bà Lâm Thúy Ái, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang tại TP.HCM, Chủ tịch HĐTV Công ty sản xuất - thương mại MEBIPHA, cho rằng: “Trước những lỗ hổng về việc kiểm soát đầu vào, gây khó cho việc kiểm soát sản phẩm cuối cùng thì giải pháp hiệu quả nhất là tăng cường chú trọng kiểm soát từ khâu sản xuất ban đầu bằng những quy chuẩn, quy trình canh tác, cũng như có những chính sách hỗ trợ thực chất cho nông dân, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm sạch, an toàn, thân thiện với môi trường…”.
Tại hội thảo, một số diễn giả khác cho biết lỗ hổng lớn nhất trong kiểm soát an toàn thực phẩm là luật An toàn thực phẩm không quy định phải áp dụng quy trình VietGap, GlobalGap; luật Thương mại cũng không bắt buộc rau củ quả, hàng tươi sống phải có nhãn mác và truy xuất nguồn gốc. Đây cũng là vấn đề khiến công tác kiểm soát an toàn thực phẩm đầu cuối khó có thể thực hiện một cách triệt để.
Bình luận (0)