(TNO) Thủ tướng nước chủ nhà Singapore Lý Hiển Long là người giữ vai trò “phát pháo” trước sự tham dự của 27 Bộ trưởng Quốc phòng và nhiều quan chức cấp cao khắp thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 (năm 2013) và trả lời câu hỏi của các đại biểu - Ảnh VGP/Nhật Bắc
|
Giới quan sát không kỳ vọng một bài diễn văn nóng bỏng từ ông Lý, như đối với bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe năm 2014 hay của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng năm 2013.
Điều này cũng dễ hiểu bởi Singapore không có tranh chấp trên biển nóng bỏng với các nước láng giềng, trừ một vài lấn cấn với Malaysia và Indonesia luôn được giải quyết một cách hòa nhã.
Mặt khác, ông William Choong, chuyên gia về an ninh châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), đơn vị tổ chức diễn đàn nhận định với Thanh Niên Online: Là lãnh đạo nước chủ nhà, ông Lý Hiển Long sẽ dùng những lời lẽ “hết sức ngoại giao”, tránh “gây mất lòng quốc gia nào, cũng như tránh làm không khí căng thẳng ngay trong bữa tiệc tối khai mạc".
"Tuy vậy, trước tình hình Biển Đông nóng bỏng mà Singapore luôn cảm thấy lợi ích kinh tế của mình bị đe dọa, ông Lý được tin là sẽ bày tỏ quan ngại sâu sắc về vấn đề này, và kêu gọi các bên tuân thủ các nguyên tắc giải quyết tranh chấp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và các cam kết đã có", ông Choong dự đoán.
Biển Đông là nơi có tuyến hải hành "bận rộn" nhất thế giới với khoảng 5.000 tỉ USD hàng hóa đi ngang mỗi năm, trong đó cảng Singapore là một điểm đến hay dừng chân tiếp liệu quan trọng.
Đông đảo đại biểu cao cấp
Đối thoại Shangri-La lần này thu hút lượng sự tham dự kỷ lục gồm 454 đại biểu đến từ 30 quốc gia, trong đó có 27 Bộ trưởng Quốc phòng.
Đông đảo nhất là đoàn Mỹ với 65 thành viên do Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter dẫn đầu gồm 13 quan chức chính phủ, 8 thành viên quốc hội và 44 chuyên gia quân sự, học giả, báo chí.
Đoàn Trung Quốc có 37 người gồm 18 quan chức, cán bộ chính phủ và 19 học giả, chuyên gia do Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội dẫn đầu. Đáng chú ý là sự tham gia đông đảo của nhiều đoàn châu Âu, nổi bật là các nước Anh, Pháp, Đức.
Đây cũng là lần đầu tiên một Bộ trưởng Quốc phòng Đức tham gia Đối thoại Shangri-La.
Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ, kiêm Chủ tịch Tổ chức hợp tác và an ninh châu Âu, ông Didier Burkhalter phát biểu trước khi diễn đàn khai mạc rằng ông đến diễn đàn lần này để tìm kiếm cơ hội hợp tác an ninh với khu vực. Sau Đối thọai Shangri-La, ông Burkhalter sẽ đến TP.HCM để khai trương Lãnh sự quán Thụy Sĩ đầu tiên tại Việt Nam.
Bình luận (0)