Chờ đợi tranh 'hậu Đông Dương' bứt phá

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
(thực hiện)
30/06/2024 07:00 GMT+7

Vừa đáp chuyến bay từ nước ngoài về, giám tuyển Ace Lê đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Thanh Niên xoay quanh thị trường hội họa Việt.

Chào Ace Lê. Anh vui lòng cho biết vì sao tranh của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Phạm Hậu, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí... luôn được săn tìm mua với giá cao?

8e.jpg

Ace Lê, Giám đốc điều hành thị trường VN của Sotheby's

NVCC

Phần lớn thanh khoản thị trường nghệ thuật VN đang dồn vào phân khúc tranh Đông Dương, chủ yếu là các họa sĩ tốt nghiệp từ Trường Mỹ thuật Đông Dương (1924 -1945). Các tác phẩm ấy đã trải qua phép thử thời gian nên giá trị đã được chứng thực. Xét theo khía cạnh đầu tư, tác phẩm và tác giả Đông Dương cũng tương đương như các mã "blue chip" trên sàn chứng khoán, nghĩa là có độ an toàn lớn và tính thanh khoản cao.

Mỗi lần tranh Đông Dương phá kỷ lục giá là một lần truyền thông lại đưa tin rầm rộ, càng tạo thêm hiệu ứng "top of mind" (khái niệm quan trọng trong việc đo lường sự xếp hạng của một thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng - PV) cho phân khúc này, củng cố ham muốn được sở hữu chúng trong tệp khách hàng thượng lưu. Song song với giới đầu tư là các nhà sưu tập lâu dài, rất nhiều người mua và giữ tranh để thưởng lãm.

Các tác phẩm Đông Dương luôn thu hút thanh khoản từ cả khối nhà sưu tập nội địa với mong muốn mang tranh về nước, lẫn khối nhà sưu tập trong khu vực, ở cả Đông Nam Á và nhóm đồng văn. Các nhà sưu tập ở Đông Nam Á rất thích chủ đề Đông Dương vì họ cũng từng song song chia sẻ một lịch sử thuộc địa với nước ta. Còn các nhà sưu tập ở nhóm đồng văn (Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore) thì rất thích mỹ cảm của tranh Đông Dương, vốn là một sự kết hợp giữa cả đông - tây. Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Singapore hay Bảo tàng Pasifika ở Bali (Indonesia) đã tìm mua tranh Đông Dương từ sớm, và giờ cũng không thể mua thêm được nhiều tác phẩm nữa do giá tăng quá mức ngân sách họ có thể chịu được. Cung giảm, cầu tăng, tất nhiên giá sẽ tăng, theo đó lại tiếp tục tạo kỷ lục mới. So với mặt bằng Đông Nam Á, tranh Đông Dương vẫn còn cơ hội tăng thêm vài nấc nữa.

8c.jpg

Một góc trưng bày tranh của sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương khoảng những năm 1930

FLICKR.COM

Ngoài thế hệ họa sĩ này, tranh Việt còn có những tác phẩm của họa sĩ nào được chú ý trên thị trường thế giới?

Ngoài lứa họa sĩ Đông Dương, đã có một số tên tuổi thời kháng chiến, hậu hiện đại và thậm chí là đương đại xuất hiện trên các phiên đấu giá quốc tế trong những năm gần đây, như Trần Lưu Hậu, Nguyễn Trung, Đặng Xuân Hòa, Đỗ Quang Em... Tuy nhiên, khung giá của các tác phẩm này vẫn đứng sau lứa Đông Dương.

Trong tương lai gần, theo nhận định của tôi, nhóm danh họa Đông Dương vẫn tạo kỷ lục giá. Nhưng 10 - 20 năm nữa, khi đã có đủ khoảng lùi, việc xuất hiện những tên tuổi mới là xu thế tất nhiên. Có rất nhiều danh họa quan trọng không kém lứa Phổ - Thứ - Lựu - Đàm nhưng chưa được chú ý xứng đáng và sẽ dần dần lộ diện trong thời gian tới.

Có thể kể đến nhóm họa sĩ Pháp tới Đông Dương, hay nhóm họa sĩ trường vẽ Gia Định. Nhìn rộng ra khu vực, kỷ lục tranh Việt đắt giá nhất là 3,11 triệu USD cho bức Chân dung cô Phương của Mai Trung Thứ vẫn còn thấp so với các danh họa hiện đại của Đông Nam Á. Với sự tham gia của người chơi tranh trong khu vực, tôi dự đoán rằng tranh Đông Dương sẽ còn tiếp tục tự phá kỷ lục giá.

8f.jpg

Kỷ lục tranh Việt đắt giá nhất là 3,11 triệu USD cho bức Chân dung cô Phương của Mai Trung Thứ

SOTHEBY’S

8g.jpg

Bức Người hát dân ca của Nguyễn Phan Chánh có giá 1,09 triệu USD

SOTHEBY’S

Họa sĩ Việt thời đương đại nào đạt giá trị về nghệ thuật nhưng tranh vẫn chưa có giá cao?

Ngay từ thập niên 1990 và 2000 khi nghệ thuật đương đại mới manh nha tại VN, có rất nhiều nghệ sĩ ngay lập tức vụt sáng, xuất hiện trong nhiều triển lãm uy tín, trong các bảo tàng hay bộ sưu tập hàng đầu thế giới. Ví dụ như Trương Tân, Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Quang Huy, Vũ Dân Tân, Trần Lương... Rất nhiều nghệ sĩ tiên phong trong thập niên 1990 - 2000 đó vẫn còn chưa được công nhận đúng với đóng góp quan trọng của họ.

Hai triển lãm tranh của các danh họa là Hồn Xưa Bến Lạ, Mộng Viễn Đông được Sotheby's tổ chức tại VN. Theo anh, các triển lãm có tác động như thế nào tới thị trường nghệ thuật VN?

Đây là chuỗi triển lãm tiên phong cho phân khúc mỹ thuật Đông Dương tại VN. Lần đầu tiên công chúng Việt được tiếp xúc một số lượng lớn tác phẩm Đông Dương có giá trị lịch sử mỹ thuật, và được giám tuyển, thẩm định, trưng bày theo đúng chuẩn bảo tàng quốc tế. Điều này thể hiện tầm nhìn và cam kết lâu dài của Sotheby's với thị trường VN.

Cả hai lần triển lãm Hồn Xưa Bến Lạ (tháng 7.2022), Mộng Viễn Đông (tháng 8.2023) đều đón nhận sự quan tâm vượt mức từ công chúng và truyền thông: cổng đăng ký quá tải chỉ sau nửa ngày mở, với hơn 5.000 lượt xem cho mỗi triển lãm. Rất nhiều khán giả đã bay từ các tỉnh thành và quốc gia khác tới TP.HCM để tham gia sự kiện. Thành phần khán giả cũng rất đa dạng, từ các nhà sưu tập và nghiên cứu tới giới viên chức, học sinh - sinh viên. Sự xuất hiện của nhiều KOL cũng góp phần lan tỏa tiếng vang cho sự kiện, mở rộng tệp khán giả tới giới trẻ.

Với cá nhân tôi, mục tiêu tăng cường tiếp cận của công chúng VN tới nghệ thuật là quan trọng nhất, có thể gọi là tương đối thành công trong khuôn khổ những hạn chế về ngân sách, nhân lực và thời gian.

8a.jpg

Bức Phụ nữ đội nón lá bên sông của Mai Trung Thứ có giá 1,57 triệu USD

SOTHEBY’S

8b.jpg

Bức Thiếu nữ bên hoa mẫu đơn của Lê Phổ có giá 1,36 triệu USD

SOTHEBY’S

Anh có thể cho biết kế hoạch sắp tới của Sotheby's với thị trường tranh Việt và những dự báo về kinh doanh tại VN?

Chiến lược của Sotheby's trong giai đoạn tiếp theo sẽ tiếp tục đi song song, vừa tập trung vào những dự án phi thương mại để phục vụ công chúng Việt, vừa đẩy mạnh khâu minh bạch hóa thị trường thông qua những phiên đấu định kỳ trong khu vực và quốc tế. Cụ thể là minh bạch trong thu nhận tác phẩm, kiểm định tác phẩm, quảng bá và triển lãm tác phẩm, công bố thông tin giao dịch.

Song song với những hoạch định lâu dài là việc tiếp tục quảng bá nghệ thuật VN trên đấu trường quốc tế. Như gần đây nhất, tại phiên đấu Sotheby's Paris tháng 6 vừa qua, bức sơn dầu Người hát dân ca của Nguyễn Phan Chánh đã được gõ búa với mức giá 1,09 triệu USD gồm thuế, phí, trở thành bức tranh giá triệu USD đầu tiên của thị trường nghệ thuật năm 2024, lọt vào tốp 20 tranh Việt đắt giá nhất mọi thời đại, bên cạnh các tác phẩm khác của Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Quốc Lộc, Phạm Hậu, Tô Ngọc Vân, Vũ Cao Đàm...

Xin cảm ơn anh!

Ace Lê là giám tuyển và nhà nghiên cứu nghệ thuật VN. Anh hiện là Giám đốc điều hành đầu tiên của Sotheby's tại thị trường VN và giám tuyển chuỗi triển lãm tiên phong Hồn Xưa Bến Lạ, Mộng Viễn Đông. Anh cũng là Giám đốc sáng lập của tổ chức phi lợi nhuận Lân Tinh Foundation, Tổng biên tập Art Republik Vietnam, thành viên Ban cố vấn của UOB Painting of the Year (từ 2024), Trung tâm nghệ thuật Đương đại Vincom (từ 2022) và Kho dữ liệu Nghệ thuật đương đại VN (2022 - 2023).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.