Chờ đón trăng hồng, mưa sao băng và nhật thực một phần trong tháng 4

06/04/2022 11:45 GMT+7

Đại diện Hội thiên văn Hà Nội (HAS) cho biết trong tháng 4.2022 tại Việt Nam xuất hiện một số hiện tượng thiên văn nổi bật. Đáng chú ý nhất là trận mưa sao băng Lyrids được nhiều người yêu thiên văn mong chờ.

1. Trăng tròn (ngày 17.4)

Mặt trăng sẽ nằm ở phía đối diện của Trái đất so với mặt trời và mặt của nó sẽ được chiếu sáng hoàn toàn. Giai đoạn này xảy ra lúc 1 giờ 57 phút (giờ Việt Nam). Người châu Mỹ bản địa gọi nó là Trăng hồng vì nó đánh dấu sự xuất hiện của loài hoa chi anh hồng, mùa hoa đầu của mùa xuân. Trăng này còn được gọi là Trăng cỏ mầm, Trăng mọc hay Trăng trứng. Nhiều bộ lạc ven biển còn gọi là Trăng cá bởi vì đó là lúc cá mòi bơi lên thượng nguồn để đẻ trứng.

2. Mưa sao băng Lyrids (ngày 22 - 24.4)

Lyrids là mưa sao băng trung bình, thường đạt khoảng 20 sao băng một giờ tại cực điểm. Trận mưa sao băng này hình thành từ các hạt bụi còn sót lại của sao chổi C/1861 G1 Thatcher, được phát hiện năm 1861.

Mưa sao băng Lyrids thường xuất hiện từ ngày 16 - 25.4 hàng năm. Cực điểm năm nay diễn ra vào đêm ngày 22, rạng sáng ngày 23. Đôi khi có những vệt sao băng sáng có đuôi dài xuất hiện trong vài giây ở trận mưa sao băng này.

Thời điểm này, mặt trăng đang gần ở pha trăng mới sẽ đảm bảo một bầu trời tối, rất tuyệt vời để quan sát mưa sao băng. Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại một địa điểm tối. Sao băng có xu hướng tỏa ra từ phía chòm sao Lyra (Thiên Cầm), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi đâu trên bầu trời.

Mưa sao băng Lyrids tháng 4.2018.

Jaclyn Anglis

3. Nhật thực một phần (ngày 30.4)

Nhật thực một phần diễn ra khi mặt trăng che khuất một phần của mặt trời. Nhật thực một phần có thể được quan sát qua kính lọc đặc biệt hoặc nhìn vào hình phản chiếu của mặt trời.

Hiện tượng này sẽ được quan sát tốt ở hầu hết vùng đông nam Thái Bình Dương và nam Nam Mỹ. Quan sát tốt nhất ở Argentina với độ che phủ lên tới 53%. Tuy nhiên, hiện tượng này không quan sát được ở Việt Nam.

Vào ngày 1.4 vừa qua đã xuất hiện hiện tượng Trăng mới. Theo đó, Mặt trăng nằm cùng phía với mặt trời khi nhìn từ Trái đất và không hiện diện trên bầu trời đêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.