Chỗ dựa cho những người lầm lỡ

01/10/2013 10:01 GMT+7

Hơn một năm qua, mô hình cảm hóa, giáo dục người vi phạm pháp luật ở xã Long Phước (H.Long Hồ, Vĩnh Long) đã giúp cho hàng chục người lầm lỡ xóa được mặc cảm để vươn lên làm ăn, ổn định cuộc sống.

 Chỗ dựa cho những người lầm lỡ
Công an xã Long Phước thường xuyên đến thăm hỏi, động viên những người có tiền án, tiền sự - Ảnh: Thanh Đức

Chỗ dựa tinh thần

Long Phước là xã vùng ven giáp ranh với P.4 (TP.Vĩnh Long). Bên cạnh việc giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế xã hội thì mặt trái là tệ nạn xã hội kéo theo. Một số đối tượng lười biếng lao động, ăn chơi đua đòi dẫn đến hư hỏng và phạm tội; tình trạng kẻ xấu từ nơi khác đến tụ tập băng nhóm hoạt động về đêm gây mất an ninh trật tự diễn ra thường xuyên. Trước tình hình trên, tháng 7.2012, Đảng ủy xã Long Phước tiến hành xây dựng mô hình “Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người vi phạm pháp luật được đặc xá tù, trường, trại tha về sớm hòa nhập cộng đồng và xã hội”,  nhằm kéo giảm tình trạng tái phạm pháp luật, giữ vững an ninh trật tự địa phương.

 

“Mô hình cảm hóa người tiền án ở xã Long Phước là mô hình nổi trội nhất của tỉnh về chương trình quốc gia phòng chống tội phạm. Trong đó, kế hoạch cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người vi phạm pháp luật được đặc xá tù, trường, trại tha về sớm hòa nhập cộng đồng là mô hình điểm, hiệu quả nhất cần được nhân rộng”  -  Thượng tá Nguyễn Văn Năm, Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Vĩnh Long.

Bà Nguyễn Thị Thu Cúc (48 tuổi, ngụ ấp Phước Trinh A), tâm sự: “Bản thân tôi can tội mua bán ma túy, chấp hành án phạt 1 năm 8 tháng tù giam. Hết hạn tù, trở về địa phương, tôi luôn luôn mặc cảm với mọi người, mỗi lần công an đến nhà là tôi rất sợ. Nhưng từ khi cán bộ công an và đoàn thể đến tiếp xúc, tận tình động viên, giúp đỡ tinh thần và vật chất tôi đã không còn mặc cảm, lo chí thú làm ăn”.

Anh Nguyễn Thanh Sơn (31 tuổi, ngụ ấp Long Thuận) làm nghề sửa xe. Năm 2010, anh Sơn phạm tội tiêu thụ đồ gian (mua xe trộm cắp bán lại), bị kết án 18 tháng tù giam. Đến năm 2012 ra tù, anh Sơn tiếp tục làm nghề sửa xe, vợ bán quán cà phê, thu nhập hai vợ chồng cũng đủ trang trải cho gia đình. “Bị tù một lần tôi tởn tới già, không còn dám mua đồ giá rẻ nữa. Tôi rất ăn năn, hối hận. May nhờ có mấy anh công an tới lui thường xuyên vận động, giúp đỡ tiền mua thêm phụ tùng sửa xe nên tôi không còn mặc cảm, cố gắng làm ăn chân chính để có cuộc sống hạnh phúc bên gia đình và vợ con”, anh Sơn nói.

Tạo việc làm ổn định

Qua thống kê, từ năm 2007 - 2012, toàn xã Long Phước có 53 đối tượng vi phạm pháp luật học tập, cải tạo tốt được trở về địa phương sinh sống; trong đó 29 người được tạo điều kiện có việc làm ổn định, 10 người có hoàn cảnh khó khăn đang được xã vận động các mạnh thường quân giúp đỡ. Năm 2012 có 21 đối tượng trở về địa phương, Công an xã Long Phước đã tạo điều kiện giúp đỡ xác nhận hồ sơ cho 6 người có việc làm ở các công ty xí nghiệp, ổn định cuộc sống. Năm 2013 này có trên 10 người được các đoàn thể giúp đỡ mua bán nhỏ…

Ông Phạm Văn Nhựt, Trưởng Công an xã Long Phước, cho biết: “Chúng tôi đã tạo điều kiện giúp đỡ 29/53 trường hợp có việc làm ổn định ở các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh; đồng thời vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ cho những người chưa có việc làm 8 triệu đồng/người để giúp họ tạm thời giải quyết khó khăn trước mắt. Từ đó họ không còn mặc cảm và làm ăn lương thiện, không tái phạm”.

Đặc biệt, khi xác nhận lý lịch cho những người lầm lỡ đi xin việc, công an xã không nêu có tiền án, tiền sự để các công ty an tâm nhận họ vào làm việc, tránh kỳ thị. “Tuy nhiên, về mặt nghiệp vụ thì chúng tôi vẫn quản lý rất chặt chẽ”, ông Nhựt cho biết.

Thanh Đức

>> Hỗ trợ vốn cho người hoàn lương
>> Giải quyết việc làm cho người phạm pháp hoàn lương
>> Khát vọng hoàn lương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.