Chợ ế ẩm, khách mua hàng đi đâu?

04/07/2023 15:19 GMT+7

Các chợ truyền thống nổi tiếng ở TP.HCM đang vắng khách đến nao lòng. Vậy khách mua hàng đang mua sắm ở đâu?

Chợ ế ẩm, khách mua hàng đi đâu? - Ảnh 1.

Tình cảnh vắng vẻ kéo dài tại các chợ truyền thống ở TP.HCM

Đ.Đ

Chợ truyền thống vắng khách

Ngôi chợ Bình Tây ở Q.6, hay còn gọi là chợ Lớn, trước nay vốn là chợ sỉ lớn nhất nhì TP.HCM với nguồn hàng đa dạng, phong phú, cung cấp cho cả TP.HCM và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình cảnh vắng lặng ở chợ khiến nhiều người không khỏi ái ngại. 

Tại khu vực bán vải và quần áo, hàng hóa tràn ngập nhưng nhìn quanh chỉ thấy người bán ngồi lặng lẽ, khách mua thì chỉ lác đác vài người lớn tuổi. Tương tự, khu vực bán giày dép cũng vắng người mua sắm. Thậm chí, nhiều sạp đã đóng cửa từ lâu, tạo nên khung cảnh hết sức ảm đạm. 

Một tiểu thương kinh doanh cho biết: "Hôm nay là chủ nhật, trước đây cuối tuần khách đến rất đông, trong đó có nhiều đoàn du khách nước ngoài, nhưng hiện nay khách không có. Tôi cũng chỉ cố gắng buôn bán cầm chừng thôi chứ nhìn cảnh mấy sạp xung quanh đóng cửa cũng nản lắm".

Chợ ế ẩm, khách mua hàng đi đâu? - Ảnh 2.

Không có khách đến tham quan, mua sắm, nhiều sạp kinh doanh ở chợ Bình Tây phải đóng cửa dài hạn hoặc sang nhượng lại sạp

Đ.Đ

Tại các chợ truyền thống khác như chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), chợ Gò Vấp (Q.Gò Vấp), chợ Nguyễn Thái Bình (Q.1)… ngoại trừ mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt, cá, rau củ còn đông người mua, các mặt hàng khác như quần áo, giày dép, thực phẩm chế biến, thiết bị gia dụng… đều trong tình cảnh ế ẩm.

Không chỉ ở TP.HCM, các chợ truyền thống ở nhiều thành phố khác như Cần Thơ, Nha Trang cũng chịu chung tình cảnh vắng khách. Cô Trương Mỹ Hạnh, tiểu thương bán quần áo, giày dép tại chợ Xóm Mới (TP.Nha Trang) bộc bạch: "Sau thời gian dịch bệnh đến nay, khách du lịch vắng vẻ đã ảnh hưởng đến việc kinh doanh làm ăn của tiểu thương. Nhưng nói một cách khách quan đầy đủ thì ngay chính thói quen mua sắm của người tiêu dùng nội địa đã đang thay đổi. Người ta đi chợ ít hơn và mua sắm trên mạng nhiều hơn. Thường những ngày cuối tuần khách đi chợ nhiều nhất, nhưng hiện nay tôi ngồi bán cả ngày cũng chưa có khách ghé qua".

Kinh doanh online lên ngôi

Võ Văn Hải, thanh niên còn khá trẻ nhưng đã nổi tiếng là tay kinh doanh online thành đạt. Hải kể, mỗi ngày, anh chốt ít nhất 10 - 15 đơn hàng, có những đơn hàng vài triệu đồng. Khách mua chủ yếu ở trong nước, nhưng không ít khách là Việt kiều đang sinh sống ở hải ngoại. "Bây giờ có dịch vụ vận chuyển nên mọi thứ dễ dàng lắm. Khách cứ chốt đơn, chuyển khoản, mình cho nhân viên đóng hàng và gửi đi. Công việc của tôi mỗi ngày chỉ là lên livestream trò chuyện, giới thiệu sản phẩm, và kêu gọi mọi người mua hàng ủng hộ. Tôi bán đủ thứ, từ các loại khô, mắm, yến sào, đặc sản địa phương… May mắn là doanh số mỗi tháng cũng đạt khoảng 400 triệu đồng".

Chợ ế ẩm, khách mua hàng đi đâu? - Ảnh 3.

Kinh doanh truyền thống bị giảm sút, tiểu thương phải tính toán đến việc học bán hàng qua mạng

Đ.Đ

Lê Minh Hiếu, chủ một công ty quy mô nhỏ chuyên về vật liệu xây dựng, nội thất, ngụ tại Q.Bình Tân, kể: "Công việc chính của tôi là thi công các công trình nội thất. Nhưng tình hình kinh tế khó khăn, các công trình ngưng trệ hết. Thậm chí, nhiều hợp đồng với các chủ đầu tư cũng có nguy cơ mất trắng hàng tỉ đồng công nợ. Cái khó ló cái khôn, trong tình thế bế tắc tôi chuyển sang bán hàng online trên kênh YouTube của mình. Những ngày đầu tiên tôi đích thân đi giao hàng, người mua nhận ra chủ kênh đi giao nên quý lắm. Cứ như vậy đơn hàng tăng lên, người mua cũ đặt hàng nhiều hơn. Bình quân mỗi ngày tôi chốt từ 5 - 6 đơn, hôm nào khá hơn thì 10 đơn. Mỗi tháng trừ hết chi phí tôi cũng kiếm lời được 20 triệu đồng. Mới tập tành bán vài tháng được như thế cũng đỡ lắm, bù đắp được vào tiền thuê mặt bằng của công ty".

Khi mạng xã hội và internet trở nên phổ biến, việc hình thành các nhóm chợ cư dân, group cộng đồng cũng phát triển, từ đó thúc đẩy việc mua sắm hàng hóa điện tử thuận tiện hơn. Chị Phan Minh Thư, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống, tại khu đô thị Vinhomes Grand Park (TP.HCM) chia sẻ: "Mình chuyên vận chuyển thực phẩm từ quê như thịt, cá, rau củ quả để bán cho nhóm cư dân. Hầu hết các cư dân đều tham gia vào nhóm này nên lượng khách hàng rất đông, việc giao hàng cũng dễ dàng do ở cùng một khu vực. Sắp tới, tôi còn có dự án mở rộng diện tích trồng rau xanh để cung cấp cho cư dân nhiều hơn nữa".

Xu hướng kinh doanh online cũng trở nên phổ biến với nhiều loại sản phẩm khác, từ cây kiểng, cây giống đến các loại cá cảnh. Khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) tiến hành năm 2022 cho thấy, có khoảng 78% người dùng internet tham gia mua sắm thông qua thương mại điện tử. Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ trực tiếp tại Việt Nam đạt 16,4 tỉ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự kiến đến năm 2025, tỷ lệ này có thể lên đến 10%.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.