Chờ hai màn 'so găng' Biden - Trump

Khánh An
Khánh An
17/05/2024 06:26 GMT+7

Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump đang ráo riết chuẩn bị cho 2 cuộc tranh luận trực tiếp trước thềm bầu cử.

Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đã đồng ý tham gia 2 cuộc tranh luận trước thềm cuộc bầu cử ngày 5.11, sau nhiều đồn đoán và chờ đợi. Màn "tái đấu" giữa 2 ứng viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa sẽ do Đài CNN tổ chức vào ngày 27.6 và Đài ABC tổ chức vào ngày 10.9.

Sẵn sàng "tung đòn"

Ngay cả trong việc sắp xếp ngày tranh luận, cuộc "khẩu chiến" giữa 2 ứng viên cũng đầy sôi động. Ông Biden cho biết sẵn sàng tham gia "bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào", trong khi ông Trump nói đối thủ là "người tranh luận tồi tệ nhất" ông từng gặp. Cuộc tranh luận đầu tiên sẽ diễn ra tại Georgia, một trong những bang chiến địa, còn địa điểm thứ hai đang được thu xếp. Dự kiến 2 cuộc tranh luận đều không có khán giả trực tiếp. Ông Biden đề nghị tranh luận với micro tự ngắt khi ứng viên hết thời gian phát biểu trong khi ông Trump đề nghị cuộc tranh luận kéo dài 2 giờ và các ứng viên đều phải đứng.

Tổng thống Joe Biden và ông Donald Trump ấn định ngày tranh luận

Các cuộc tranh luận giữa các ứng viên tổng thống thường thu hút hàng chục triệu khán giả theo dõi truyền hình trực tiếp. Hai cuộc tranh luận sắp tới được đánh giá là đầy rủi ro đối với Tổng thống Biden lẫn cựu Tổng thống Trump, vốn đang trong cuộc đua vô cùng sít sao. Theo Reuters, các trợ lý của ông Biden cho rằng tranh luận sẽ tạo ảnh hưởng xấu đối với ông Trump khi đối thủ buộc phải công khai quan điểm về nhiều vấn đề, trong đó có quyền phá thai mà họ xem là điểm yếu của đối phương. Trong khi đó, các trợ lý của ông Trump nhận định ông Biden dễ mắc lỗi trong lời nói và sẽ khiến cử tri thêm lo ngại về tuổi tác của đối phương.

Ông Biden và ông Trump sẽ tham gia 2 cuộc tranh luận trước thềm bầu cử Ảnh: Reuters

Ông Biden và ông Trump sẽ tham gia 2 cuộc tranh luận trước thềm bầu cử

Reuters

Nguy cơ bị can thiệp

Trước cuộc bầu cử sắp tới, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Avril Haines cảnh báo ngày càng có nhiều nhân tố nước ngoài sử dụng những thủ đoạn can thiệp tinh vi. Điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện, bà cho biết các nhân tố nước ngoài gia tăng dùng những công ty tư nhân tiến hành hoạt động gây ảnh hưởng bầu cử, khiến giới tình báo Mỹ khó truy tìm kẻ chủ mưu. Bên cạnh đó, bà lo ngại những công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp các nhân tố nước ngoài tạo ra thông điệp chính trị như thật, có quy mô lớn và nội dung ứng với nhiều ngôn ngữ, nền văn hóa khác nhau.

Tương tự, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mark Warner cũng lo ngại bầu cử bị tác động bởi những đoạn băng, thước phim do AI tạo ra. Ông nhắc lại cuộc gọi mạo danh Tổng thống Biden kêu gọi cử tri không đi bầu cử sơ bộ ở bang New Hampshire hồi tháng 1. "Tôi lo rằng việc quốc hội không thể thông qua bất cứ hành lang pháp lý nào trong 8 năm qua đối với những chiêu trò do AI tạo ra là một vấn đề lớn. Vấn đề là các công cụ đang có sẵn và ngày càng nguy hiểm hơn", ông phát biểu. 

Tuy nhiên, Giám đốc Cơ quan An ninh mạng và hạ tầng Jen Easterly khẳng định hạ tầng bầu cử Mỹ "chưa bao giờ an toàn như ngày nay", đồng thời lưu ý rằng không có dấu hiệu nào cho thấy những kẻ xấu đã "thay đổi, xóa, sửa phiếu bầu hoặc tác động làm thay đổi" kết quả các cuộc bầu cử năm 2018, 2020 hoặc 2022.

Tài liệu do Nhà Trắng vừa công bố cho thấy Tổng thống Biden có tình hình tài chính cá nhân ít thay đổi trong năm ngoái, dù tiền bản quyền sách và tiền mặt trong tài khoản ngân hàng của ông giảm, còn tiền nợ vay mua nhà tăng. Theo Reuters, đương kim tổng thống cùng phu nhân Jill Biden có tổng tài sản từ 1 - 2,6 triệu USD và nợ từ 350.000 - 850.000 USD, theo Cơ quan Đạo đức chính phủ Mỹ, vốn chỉ liệt kê khung số tiền chứ không phải con số chính xác. Thông tin về thuế trước đó cho thấy thu nhập của ông Biden và vợ tăng 7%, lên 619.976 USD vào năm 2023. Cựu Tổng thống Trump chưa công khai thông tin tương tự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.