Chợ hoa Sài Gòn ngày sát Tết, người bán ‘cược hết vào ván này, mong vực dậy’

30/01/2022 12:45 GMT+7

Nhiều chủ vườn hoa Tết tại Công viên 23 tháng 9 (Q.1, TP.HCM) hy vọng năm nay tình hình kinh doanh khấm khá hơn để vực dậy một năm điêu đứng vì dịch Covid-19 . Còn hơn 1 ngày nữa chợ hoa Tết tại đây đóng cửa, có người cay đắng vì chỉ bán được 1%...

Còn 1 ngày cũng hy vọng

Chiều 29.1 (27 tháng Chạp), PV có mặt tại chợ hoa Tết Nguyên Đán Nhâm Dần ở Công viên 23 tháng 9 (Q.1). Chúng tôi choáng ngợp vì màu sắc rực rỡ của nhiều những loại hoa Tết được bày bán tại đây, tuy nhiên người đến mua lại không quá đông so với thời điểm này những năm trước.

Nhiều chủ vườn tâm sự chợ hoa Tết ở Công viên 23 tháng 9 năm nay ít khách hơn mọi năm

cao an biên

Người đến mua không quá đông

cao an biên

Tại một góc công viên, những chậu hoa giấy của bà Trịnh Thị Phương (46 tuổi) rực rỡ khoe sắc nhưng vắng khách. Thời gian đó, bà Phương cùng cháu trai Đỗ Minh Trung (26 tuổi) cẩn thận chăm chút lại từng chậu hoa. Mang hơn 1.000 chậu từ làng hoa giấy ở H.Chợ Lách (Bến Tre) lên đây để bán, bà thở dài tâm sự từ ngày 23 tháng Chạp tới nay chỉ bán được 1% trong số đó.

Chợ hoa Sài Gòn bán chạy ngày giáp tết, tiểu thương vui mừng ‘được ăn tết sớm’

“Đa số khách đến hỏi giá rồi bỏ đi chứ không mua, buồn lắm mà cũng không biết sao. Bán ở đây 2 năm, năm nay còn thảm hơn năm ngoái nữa. Có người còn trả một nửa giá, mà bán giá đó sao mình có lời, công mình chăm sóc cả năm, thuê lô, vận chuyển”, nhìn vào những chậu hoa bà bày tỏ.

Anh Trung chăm sóc cẩn thận từng chậu hoa giấy

cao an biên

Ông Nguyễn Thanh Sơn (44 tuổi) bán cúc mâm xôi cũng tâm sự sức mua có phần giảm, tuy nhiên ông vẫn tin tưởng những ngày sát Tết sẽ bán được hơn

cao an biên

Chị Oanh sắp xếp lại từng chậu hoa ngay ngắn

cao an biên

Trung bình mỗi chậu hoa giấy ở đây có giá dao động từ 250.000 đồng - 500.000 đồng, những chậu có kích thước lớn hơn có mức giá từ 7 - 10 triệu. Suốt 1 năm qua, dịch Covid-19 khiến những người trồng hoa như gia đình bà gặp nhiều khó khăn, chỉ trông vào dịp Tết để vực dậy. Tuy nhiên năm nay bà cũng nghĩ đến cảnh phải chở hoa về.

Nghe vậy, anh Trung nói đầy lạc quan: “Còn 1 ngày thì cũng hy vọng, biết đâu mấy ngày tới khách lại tới đông, mình bán được thì sao”.

Cách hàng hoa giấy của bà Phương không xa là hàng trăm chậu bông vạn thọ của ông Trịnh Văn Nho (60 tuổi, chủ vườn hoa kiểng Chín Nho ở H.Chợ Lách, Bến Tre). Bán ở công viên này từ năm 1999 mỗi dịp Tết về, năm nay ông Nho mang lên 700 chậu hoa, giá mỗi cặp khoảng 300.000 đồng (tính luôn tiền chậu).

Năm nay ông Nho mang 700 chậu bông vạn thọ từ Bến Tre lên TP.HCM bán

cao an biên

Ông Nho nhận xét năm nay sức mua yếu hẳn khi chừng 27 Tết nhiều năm trước, người ta được nghỉ làm là nườm nượp kéo đến đây để mua. Có mặt từ ngày 21 tháng Chạp, ông đã bán được gần 400 chậu, số còn lại ông hy vọng sẽ bán được hết.

“Bông vạn thọ mà, bán không được thì bỏ chứ đâu chở về được. Nhưng cỡ nào cũng ráng bán cho hết để về ăn cái Tết thật ấm với vợ con. Nói thiệt, đường cùng chắc ngày cuối tui xuống giá quá, đó cũng là cái chua chát của nghề này”, ông trầm tư.

Suốt một năm qua không bán buôn được vì dịch, ông đặt hết hy vọng vào ván cờ cuối năm này mong có thể vực dậy được vườn kiểng. Với ông, bán hoa không còn là nghề mà là cái nghiệp khó có thể bỏ được truyền lại từ ông bà nên dù khó khăn như thế nào cũng phải trồng hoa, phải bán để giữ gìn truyền thống đó.

Gỡ gạc một năm buồn

Trong khi đó, anh Nguyễn Thanh Hùng (30 tuổi, chủ vườn lan Thanh Phương ở thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh) lại mừng rỡ vì những ngày qua tình hình buôn bán khá ổn. Theo anh, năm nay lan hút hàng khi không có quá nhiều người bán, thêm vào đó nhiều người cũng rất chịu chi để mua những chậu về chưng cho dịp Tết. Chủ vườn cho biết giá của mỗi chậu lan ở đây dao động từ 500.000 đồng - 2 triệu đồng tùy loại, cá biệt có những chậu trên 10 triệu.

Những chậu mai được chủ vườn chăm sóc chu đáo chờ khách tới mua

cao an biên

Ông Tám (72 tuổi, Q.4) dạo quanh vườn mai ở công viên, dù ưng ý một chậu mai có giá 9 triệu nhưng vì điều kiện kinh tế nên ông chỉ có thể... nhìn

cao an biên

Suốt một năm “chết đứng” vì dịch khi không thể buôn bán được gì, Tết năm nay là cơ hội để vườn lan của anh Hùng hồi sinh trở lại. Anh hy vọng những ngày tới tình hình buôn bán tiếp tục thuận lợi để có thể ăn một cái Tết ấm.

Còn chị Lê Thị Hoàng Oanh (22 tuổi, quê Cà Mau), bán cúc mâm xôi ở một góc công viên cũng tỉ mỉ sắp xếp lại từng chậu ngay ngắn. Dù không phải là chủ vườn mà chỉ là người làm thời vụ dịp Tết nhưng chị cũng cho biết năm nay sức mua không quá lớn.

Anh Hùng phấn khởi vì năm nay lan bán được

cao an biên

“Bình thường mình làm đủ nghề, Tết đăng ký bán cho người quen để kiếm thêm, mang tiền về cho mẹ. Mình cũng mong bán hết sớm, chủ mừng mà mình cũng mừng nữa,” chị cười nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.