Lãi suất lên đến 15%/năm
Trong việc cung cấp dịch vụ margin cho nhà đầu tư (NĐT), các công ty chứng khoán (CTCK) có thể sử dụng nhiều nguồn tiền khác nhau, thậm chí đi vay từ phía ngân hàng. Vì vậy, lãi suất margin của các CTCK luôn cao hơn lãi suất cho vay tiêu dùng thông thường của ngân hàng. Hiện nay, mức lãi suất margin đang dao động 10 - 15%/năm. Tuy nhiên, lãi suất này còn phụ thuộc nhiều vào chính sách của từng công ty, như có cần thu hút thêm NĐT hay không, NĐT có phải là khách VIP (nắm giữ nhiều cổ phiếu (CP) lớn với tỷ lệ cao, tài khoản giao dịch lớn...)... Ví dụ, khách có tài khoản giao dịch lớn thường sẽ được mức lãi suất ưu đãi thấp nhất là 10%, thậm chí còn thấp hơn nếu khách hàng chủ động thỏa thuận. Bên cạnh đó, bản thân các CTCK cũng đưa ra nhiều gói dịch vụ linh hoạt khác nhau để đáp ứng nhu cầu NĐT, tùy theo thời gian và số tiền tối đa được vay.
|
Ngoài mức lãi suất, các CTCK còn đưa ra phí phạt là 150% lãi suất nếu khách hàng để tỷ lệ nợ vượt mức cho phép. Ví dụ, nếu lãi suất margin là 0,04%/ngày (tương đương 1,2%/tháng) thì lãi suất phạt sẽ là 150 x 0,04%/ngày (tương ứng 180%/tháng).
Bên cạnh đó, theo quy định, tỷ lệ margin được áp dụng tối đa 50%, có nghĩa tối đa CTCK chỉ cho NĐT vay thêm đúng bằng số tiền hoặc tài sản cầm cố mà họ có theo tỷ lệ 1:1. Ví dụ, nếu tài khoản NĐT đang có tiền mặt (hoặc có số lượng chứng khoán để làm tài sản đảm bảo) với trị giá 1 tỉ đồng thì NĐT đó có thể được vay thêm 1 tỉ đồng để mua chứng khoán. Khi đó, NĐT đã sử dụng “full margin”. Tuy nhiên, chỉ có những CP trong danh sách do CTCK đã sàng lọc mới được áp dụng margin với tỷ lệ cụ thể được công bố vào từng thời điểm khác nhau.
Sai một li, đi tiền tỉ
Sử dụng margin giúp NĐT có thêm vốn kịp thời sinh lợi, nhưng chuyện bị bán CP giải chấp nếu giá lao dốc luôn là nỗi lo thường trực. Theo quy định, khi NĐT sử dụng margin, giá CP giảm 15% là các CTCK sẽ cảnh báo và sau đó nếu CP vẫn tiếp tục giảm, công ty sẽ yêu cầu NĐT phải nộp thêm tiền để đảm bảo tỷ lệ an toàn. Như vậy, chỉ cần sau 2 phiên giao dịch và CP bị giảm sàn, nếu NĐT không nộp thêm tiền vào tài khoản thì các CTCK có thể bán số CP trong tài khoản của NĐT mà không chờ hỏi ý kiến. Tất nhiên, không phải cứ giá CP rớt xuống ngưỡng giải chấp là những công ty này sẽ lập tức bán ra, mà còn tùy thuộc vào diễn biến của thị trường chứng khoán cũng như đánh giá, nhận định về CP đó sẽ theo xu hướng nào sắp tới.
Theo tổng giám đốc một CTCK ở TP.HCM, khi sử dụng margin NĐT phải tự theo dõi giá CP chặt chẽ để đảm bảo tỷ lệ an toàn nếu không muốn bị CTCK bán giải chấp. “Thông thường, các NĐT chỉ sử dụng margin cho ngắn hạn hay lướt sóng để gia tăng lợi nhuận. Với nhiều NĐT, tỷ lệ sử dụng margin cũng chỉ ở mức 25 - 30% sẽ an toàn hơn là sử dụng tối đa. Bởi sử dụng vốn vay có thể giúp NĐT lời gấp đôi nhưng cũng có thể khiến NĐT bị thua lỗ gấp đôi. Vì vậy, trong đầu tư chứng khoán luôn phải có dự phòng rủi ro, nhất là biến động trên thị trường không ai có thể dự báo đúng hoàn toàn”, ông này nói và khuyến cáo “Đừng bao giờ sử dụng full margin trong bất kỳ tình huống nào. NĐT nào sử dụng margin đúng lúc, đúng thời điểm mới thắng. Còn nếu sử dụng sai nhịp thì sẽ bị lỗ rất nặng”.
Đồng quan điểm này, một chuyên gia về chứng khoán chia sẻ thêm: việc sử dụng margin lúc nào, áp dụng cho CP nào là phụ thuộc vào kinh nghiệm đầu tư, sự hiểu biết cũng như tiềm lực tài chính của mỗi NĐT. Đồng thời, tùy theo quan điểm đánh giá, nhận định của NĐT về xu hướng thị trường cũng như tiềm năng của CP đó để đưa ra quyết định có sử dụng margin hay không, nếu có thì nên sử dụng tỷ lệ bao nhiêu… “Đòn bẩy tài chính là con dao hai lưỡi. Nếu sai một li, NĐT sẽ bị mất tiền tỉ ngay”, chuyên gia này nói.
tin liên quan
Đánh cược với 'cổ phiếu trà đá'Thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều cổ phiếu giá chỉ 1.000 - 2.000 đồng, chưa đủ mua ly trà đá.
Bình luận (0)