Vào các buổi sáng từ 5 - 10 giờ và buổi chiều từ 16 - 18 giờ, các tiểu thương lại tụ tập ra đường 402, thuộc địa bàn Thanh Sơn để buôn bán. Các mặt hàng như thịt, cá, rau... được bày dọc hai bên đường từ sát cổng làng văn hóa Xuân La của xã, kéo dài vào trong khoảng 20 m.
Theo người dân, chợ cóc này đã có từ rất lâu đời. Người bán hàng ở đây từ nhiều nơi ở huyện Kiến Thụy đổ về với số lượng không cố định. Trái ngược với sự sầm uất của chợ cóc, cách đó chỉ khoảng 100 m, chợ Thanh Sơn dù khá khang trang, sạch sẽ lại vắng ngắt.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, chợ Thanh Sơn được xây dựng bằng nguồn vốn hỗ trợ của dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) trên đất của địa phương. Chợ nằm trong khuôn viên vuông vắn, rộng 1.500 m2, có mái che bằng tôn, có khu vệ sinh, nhà bảo vệ, nhà để xe và 20 quầy bán thịt tươi sống với đầy đủ tiện nghi như điện, nước, ngăn đựng đồ.
Năm 2015, khi chợ Thanh Sơn mới được đưa vào hoạt động, chính quyền xã đã có nhiều hỗ trợ như miễn phí chỗ ngồi, điện, nước, vệ sinh trong 6 tháng. Chính vì vậy, tiểu thương rất phấn khởi đưa hàng hóa vào chợ kinh doanh. Tuy nhiên, sau gần 3 tháng, tiểu thương lại đồng loạt bỏ chợ ra ngoài đường ngồi bán, khiến cả khu chợ bỏ không, rêu mốc.
|
Trao đổi với chúng tôi, tiểu thương Nguyễn Thị Quyên (45 tuổi, ngụ thị trấn Minh Tân, huyện Kiến Thụy) cho biết: “Ba tháng vào chợ, một ngày tôi không bán nổi 10 kg cá. Khi ra đường thì 1 ngày lại bán được 1 tạ”. Nguyên nhân chính của việc tiểu thương buôn bán ế ẩm là chợ mới ở sâu quá, người dân ngại đi vào.
“Chợ họp ngoài đường như này tiện hơn nhiều, ai đi qua dừng xe một cái là có thể mua luôn. Vào chợ mới thì lách cách lắm, lại mất cả tiền gửi xe, chúng tôi đi chợ cóc khác còn tiện hơn”, một người dân xã Thanh Sơn cho biết. Tuy nhiên, việc người dân họp chợ ngoài đường đã gây mất an toàn giao thông, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt là để lãng phí một công trình.
Chính quyền bất lực?
Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, cho biết khi lên phương án xây chợ, cả xã chỉ còn mỗi khu đất trong đường 402 là phù hợp, nên dù địa điểm này cách hơi xa đường liên huyện nhưng vẫn được lựa chọn.
“Biết bỏ hoang là lãng phí nên chúng tôi đã dùng nhiều biện pháp để khắc phục rồi mà chưa được. Một mặt chúng tôi vận động đảng viên, cán bộ, công chức và người nhà không ra chợ cóc mua hàng và vận động tiểu thương vào chợ mới. Một mặt chúng tôi kết hợp với công an huyện không để các tiểu thương người dân bán hàng ngoài đường. Tiếc là tất cả các biện pháp này dù triển khai đồng bộ nhưng vẫn không ăn thua, tiểu thương vẫn bán, người dân vẫn mua” ông Hà ngao ngán nói.
tin liên quan
Nhiều chợ nông thôn mới xây dựng tiền tỉ nhưng không ai vào bán muaChạy đua xây chợ theo tiêu chí nông thôn mới, nhưng xây xong hoặc đang thi công dang dở, nhiều chợ ở Nghệ An phải 'đắp chiếu' do không phù hợp nhu cầu thực tế.
“Lãnh đạo huyện cũng về đối thoại với tiểu thương nhiều lần mà không được. Hiện nay, tôi đang xin kinh phí làm hệ thống cống thoát nước hai bên đường. Người dân sẽ mất chỗ ngồi. Trong khi đó, chợ mới sẽ mở cổng đón người dân vào. Đồng thời vận động và miễn phí vé gửi xe một thời gian để người dân vào chợ mua hàng”, ông Hà kỳ vọng.
Bình luận (0)