Thi thoảng vẫn gặp những người bán hoa sen, hoa quỳ lẫn trong những hoa khác dọc đường. Phân biệt hoa hồng hoa cúc thì dễ, phân biệt hoa sen hoa quỳ thì không phải ai cũng am tường. Nên có người vẫn trộn hoa quỳ với hoa sen trên rổ hoa rồi bán hoa quỳ bằng tiền giá hoa sen.
Người bạn của tôi tên Hiền, hiền lành vị tha khi mua phải hoa quỳ giá tiền của hoa sen, đắt gấp ba lần vẫn cười tươi bảo rằng: “Thôi thì ít ra mất thêm mấy chục bạc, mình được bài học về sen và quỳ”. Tôi cũng dặn chị nên học cách nhìn sen nở để mua hoa không bị lầm lẫn. Thân của cành sen nhẵn hơn và không có gai đen, gai cành sen nho nhỏ và dày hơn. Bông sen chớm nở, nó ngào ngạt tỏa hương và trong bông sen có nhiều cánh nhỏ, khi gói trà, cắm nước sen dâng hương sau một đêm, ấm trà ngon và ngát hương. Hoa quỳ rất giống hoa sen nhưng cắm nước không nở và cứ quắt lại, thâm rồi rũ cánh.
Hoa quỳ ướp trà thì không thơm và hơi chát, hơi hắc nữa. Người dùng trà sen tinh tế ít khi lầm lẫn kiểu này. Thế nhưng dọc đường Trạm Trôi, Sơn Đồng, nơi “Hà Nội 2” của chúng ta người ta vẫn cứ bán sen lẫn với quỳ. Nghe giá hoa quỳ đắt, kêu thì người bán hoa còn điều qua tiếng lại cứ như người mua không biết giá của… sen. Sen là sen và quỳ là quỳ. Giá trị là ở chỗ ướp trà sen chứ không phải ướp hoa quỳ. Nhiều người vương vấn ngờ ngợ thái độ gian dối của người bán quỳ với giá của sen, nên không mua. Người bán lời lãi được dăm chục một trăm ngàn đồng bạc thì hả hê còn người mua bực bội. Ý nghĩ này khiến tôi như thấy dọc đường làng Sơn Đồng, cả những cửa hàng bán sen gỗ cũng mờ nhạt đi trong cơn mưa ngâu đầu mùa rầu rĩ.
Nhưng chị bạn tên Hiền thì không buông bỏ, nói rằng vẫn sẽ mua hoa sen, chú ý nhìn trong bó chục hoa có một bông sen nở, trong bông sen có nhiều cánh nhỏ và trong bó sen có nhiều lá sen nhỏ bằng một ngón tay... Chị không bức xúc, không trút bực tức sang người bán, tự rút bài học cho mình. Cũng là một cách ứng xử với người, và với cuộc đời.
Bình luận (0)