Thế nhưng sau đó, từ người hớt tóc đến ông chủ tiệm hủ tiếu, từ ông hiệu trưởng đến viên thư ký kế toán phát lương; ai ai cũng gọi tôi bằng ông. Trong trường, chúng tôi gọi các cô giáo trẻ là “cô”, các cô giáo đã có gia đình là “bà”, các thầy giáo là “ông”. Đại để ngoài những buổi họp ra, những bạn bè đồng nghiệp thân tình có thể gọi nhau là “anh”, “chị”. Chỉ là tiếng gọi để xưng hô trong giao tiếp nhưng mọi người đều thấy mình được tôn trọng và không ai bảo ai, họ cũng có cách xưng hô đầy tính tôn trọng với người khác.
Tôi không nghi ngờ gì về tinh thần hòa đồng, tính thân mật vốn có trong các công sở dưới chế độ chúng ta ngày nay.
Thế nhưng từ đâu không biết, công sở của chúng ta gần như mất hẳn những lối xưng hô thông thường ông, bà, cô vốn có hàm ý tôn trọng người khác. Bù lại trong một số không ít cơ quan, thủ trưởng thích gọi nhân viên là “mày” y như kiểu anh gọi em trong nhà. Vốn mỗi người có một cái tên để gọi nhưng cán bộ, nhân viên không hiểu úy kỵ điều gì, lại chỉ gọi cái thứ bậc trong gia đình hoặc trong bí danh người ấy khi hoạt động cách mạng. Từ đó, công sở chỉ nghe những kiểu gọi bác Hai, chú Ba, anh Tư, cô Năm, chị Sáu, thằng Bảy. Cả công sở trở thành một gia đình, thật khó cho nhân dân đến liên hệ công việc không hiểu phải tìm đích danh người nào và tìm ra người ấy thì gọi làm sao cho phải.
Vừa qua, Bộ Nội vụ cho biết đang định thực hiện đề án Chuẩn hóa văn hóa công sở. Theo chúng tôi, việc sửa đổi lối xưng hô để hình thành một nề nếp quan hệ giao tiếp bảo đảm tính văn minh, dân chủ; thể hiện lòng tôn trọng lẫn nhau đối với những người trong và ngoài cơ quan là một việc làm kịp thời, đi đầu trong mục tiêu xác lập văn hóa công sở. Với nội bộ, chúng ta không nên gia đình hóa công sở, duy trì cái cách xưng hô lúi xùi bác, chú, dì, cô kèm cái thứ trước đây. Với khách đến liên hệ công tác, ba chữ ông, bà, cô; đôi khi là anh, chị, em tự nó có một chuẩn mực khi dùng ở ngôi thứ hai để gọi một người khác. Với riêng bản thân mình, chữ “tôi” là chữ phù hợp nhất khi dùng ở ngôi thứ nhất để nói chuyện với người khác.
Mọi người trong công sở và khách đến làm việc với công sở đều phải được tôn trọng, ít ra là trong lối xưng hô khi giao tiếp. Tôi còn nghe nhắc đến khái niệm “bốn xin” mà một người cán bộ, công chức, nhân viên nhà nước cần nói với nhân dân: xin lỗi, xin phép, xin vui lòng, xin cám ơn. Nhân dân mong Bộ Nội vụ thực hiện thành công đề án này.
Vũ Đức Sao Biển
Bình luận (0)