Chiều 16.11, buổi tọa đàm Phát triển Điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa, bài học từ Hàn Quốc và Pháp thuộc khuôn khổ Liên hoan phim TP.HCM đã được diễn ra. Hai diễn giả tại sự kiện là ông Kim Dong Ho, nhà sáng lập, cựu chủ tịch Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Busan, Chủ tịch danh dự của HIFF và ông Jeremy Segay, tùy viên Nghe nhìn Khu vực Đông Nam Á tại Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, thành viên Ban cố vấn HIFF. Tọa đàm cũng có sự góp mặt của bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cùng nhiều nhà làm phim Việt có tiếng.
Cần tạo thói quen xem phim đa dạng ở khán giả Việt
Các chuyên gia nhận định điện ảnh Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để trở thành ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm của quốc gia. Những năm gần đây, thị trường phim Việt đã có nhiều điểm sáng đáng lưu ý. Theo dữ liệu từ tạp chí Screen International, năm 2010, ở Việt Nam có 90 phòng chiếu, tăng lên 1.100 phòng sau 9 năm. Trong 2019, ở Đông Nam Á, Việt Nam là một trong bốn nước có thị phần phim nội địa cao nhất, chiếm 29% tổng số tác phẩm phát hành trong nước. Những tác phẩm đạt doanh thu trăm tỉ đã không còn là chuyện hiếm hoi.
Năm nay, Việt Nam còn có một số tác phẩm khiến cộng đồng quốc tế bắt đầu chú ý, tiêu biểu là chiến thắng Camera D'or của đạo diễn Phạm Thiên Ân với Bên trong vỏ kén vàng ở Liên hoan phim Cannes 2023. Phim của Thiên Ân bán được 50.000 vé ở Pháp, đạt 400.000 USD doanh thu. "Nếu nhìn vào thành công này, những nhà làm phim quốc tế sẽ rất hào hứng mong gặp gỡ, kết nối với các tài năng đạo diễn Việt Nam", ông Jeremy Segay nhận định.
Thế nhưng, câu chuyện xoay quanh niềm hứng khởi của người Việt dành cho những bộ phim độc lập, phim nghệ thuật đoạt giải thưởng quốc tế cũng là chủ đề mà các chuyên gia khách mời trong và ngoài nước lưu tâm. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn đặt vấn đề: "Phim Việt đoạt giải, thắng liên hoan phim quốc tế công chiếu trong nước lúc nào cũng thất thu phòng vé, ấy là còn chưa kể đến có những phim còn không có điều kiện để ra rạp. Ví dụ như trường hợp của Bên trong vỏ kén vàng, đạt giải Camera D'or rất quý nhưng doanh thu trong nước đâu chỉ hơn 1,4 tỉ đồng. Hay như Tro tàn rực rỡ của Bùi Thạc Chuyên, doanh số hơn 4 tỉ đồng đã được gọi là rất khả quan".
"Ở bất kỳ thị trường phim ảnh nào cũng vậy, đều có nhóm khán giả của dòng phim thị trường (số đông) và khán giả của dòng phim nghệ thuật (số ít). Nhưng điều quan trọng là tại Việt Nam, giữa 2 nhóm khán giả này đang có sự khác biệt quá lớn. Nó dẫn đến tình trạng khoảng cách doanh thu giữa 2 nhóm phim này là quá xa. Đó cũng là một thách thức của điện ảnh nước ta", ông nói thêm.
Theo quan điểm của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, việc công chúng thích xem phim giải trí hơn là chuyện rất bình thường. Giải trí cũng là một chức năng của điện ảnh nhưng ngoài ra nó còn có nhiều chức năng khác về thẩm mỹ. Vì vậy phải làm sao để khán giả ra rạp càng nhiều càng tốt và thúc đẩy tinh thần giao lưu giữa khán giả và người làm phim, tạo thói quen xem phim đa dạng cho người Việt. "Tôi mong một ngày phim Việt đoạt giải thưởng quốc tế về nước cũng có những dòng người xếp hàng đi xem", ông nói.
Ông Jeremy Segay cũng nhìn thấy khoảng cách này giữa hai dòng phim ở Việt Nam. Tùy viên Nghe nhìn Khu vực Đông Nam Á tại Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đánh giá: "Tôi nghĩ cần phải tốn nhiều thời gian để thay đổi việc này. Bởi quan trọng là cần phải khuyến khích, tạo thói quen để khán giả Việt xem phim một cách đa dạng và cởi mở hơn, cho họ được tiếp xúc với nhiều thể loại điện ảnh, phim đến từ nhiều quốc gia. Trân trọng và tôn trọng sự đa dạng trong điện ảnh, tinh thần đó cần có trước để các dòng phim cùng nhau phát triển".
Nỗ lực đưa điện ảnh thành ngành công nghiệp văn hóa
Các chuyên gia điện ảnh kỳ vọng Liên hoan phim TP.HCM 2024 là nguồn lực và cơ hội để dần dà tạo nên thói quen xem phim mới cho người Việt. Để khán giả Việt Nam được có những cơ hội thưởng thức mới, cho họ những hương vị lạ và tiếp cận đến đa dạng các thể loại ngôn ngữ điện ảnh. Ông Kim Dong Ho nêu ý kiến rằng các liên hoan phim trong nước phải thu hút nhà làm phim trẻ, cần tập trung vào việc đào tạo và hỗ trợ phát triển. Ban ngành cần giới thiệu nhiều tác phẩm đến văn hóa phim ảnh cho công chúng, đồng thời tăng cường phim chiếu trong liên hoan, tính toán chi tiết số lượng thiết bị để phục vụ khán giả.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, TP.HCM đã đề ra một số nhóm giải pháp chính để hiến kế đưa điện ảnh thành ngành công nghiệp văn hóa. Chẳng hạn bổ sung vào quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội của TP.HCM những khu công nghiệp điện ảnh, tăng cường sự gắn kết và đẩy mạnh liên kết vùng giữa TP.HCM với miền Tây và Đông Nam bộ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xây dựng thương hiệu trọng tâm đặc sắc cho TP.HCM, đầu tư vào hệ thống thiết chế văn hóa, hỗ trợ cho những nhà làm phim trẻ và đầu tư nhiều hơn cho dự án phim của người trẻ, tham mưu những đề án và cơ chế để hình thành quỹ phát triển điện ảnh.
Đặc biệt bà nhấn mạnh: "Một trong những giải pháp cuối cùng là nghiên cứu xây dựng những cơ chế đặc thù về chính sách bảo hộ điện ảnh Việt để phát triển hoạt động sản xuất phim Việt Nam, ưu tiên cho việc chiếu phim Việt, ưu tiên thu thuế ở mức thấp đối với phim Việt Nam, có những chính sách chế độ ưu đãi thuế hoặc lãi suất thấp cho những nhà làm phim Việt, để tạo cơ chế khuyến khích, tạo động lực phát triển cho điện ảnh trong tương lai".
Lễ khai mạc và trao giải Liên hoan phim quốc tế TP.HCM sẽ diễn ra vào tháng 4.2024. Liên hoan do UBND TP.HCM tổ chức, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM chủ trì, phối hợp các ban ngành. Sự kiện dự kiến gồm năm hạng mục tranh giải chính và các giải thưởng, dự kiến quy tụ 200 nghệ sĩ đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bình luận (0)