Tác động thị trường cần độ trễ
Sau nhiều phiên hủy thầu, trong phiên đấu thầu vàng sáng nay 8.5, đã có 3 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng là 34 lô (tương đương 3.400 lượng vàng). Giá trúng thầu cao nhất và thấp nhất đều là 86,05 triệu đồng/lượng.
Trao đổi với Thanh Niên, nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến đấu thầu vàng hết "dớp" bị hủy là nhờ động thái điều chỉnh lượng mua tối thiểu từ 1.400 lượng vàng xuống còn 700 lượng vàng.
"Điều này cũng dễ hiểu bởi trước đây, có những doanh nghiệp, tổ chức tín dụng chỉ có nhu cầu khoảng 700 - 800 lượng vàng, con số 1.400 lượng là quá lớn, mua vào sẽ nhiều rủi ro nên họ không tham gia đấu thầu.
Điều chỉnh mức mua tối thiểu xuống 700 lượng vàng đã cải thiện nhiều, giúp các đơn vị mặn mà tham gia đấu thầu hơn. Tuy nhiên, nếu Ngân hàng Nhà nước giảm mức này xuống 500 lượng thì còn hiệu quả hơn nữa", chuyên gia vàng Trần Duy Phương nhận định.
Vị này phân tích, những ngày gần đây, tình trạng giá vàng SJC tăng, thậm chí lập kỷ lục xuất phát chủ yếu do khan hiếm, thiếu nguồn cung trên thị trường. Trong các phiên đấu thầu vàng trước đây, chỉ một phiên thành công với lượng vàng được bán ra 3.400 lượng, chưa giải quyết được vấn đề gì.
Ba đơn vị trúng thầu 3.400 lượng vàng
Tình trạng giá vàng SJC trong nước tăng thậm chí ngay cả trong lúc giá vàng thế giới giảm hoặc đi ngang những ngày qua, theo Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh, còn xuất phát từ hiệu ứng tâm lý. Người dân thấy nhiều phiên đấu thầu vàng bị hủy, tạo tâm lý không tăng nguồn cung vàng, lại càng lo khan hiếm, muốn mua vàng.
Phiên đấu thầu vàng hôm nay đã thu về những tín hiệu tích cực hơn, song các chuyên gia cho rằng, trước mắt sẽ chưa thể có tác động gì đáng kể tới thị trường.
"Sau phiên đấu thầu, các đơn vị trúng thầu chưa thể nhận vàng ngay, cần có độ trễ nhất định để việc đấu thầu vàng có tác động đến thị trường. Đáng chú ý, cần nhiều phiên đấu thầu thành công nữa mới có thể thực sự tác động tới thị trường.
Khan hiếm vàng không còn, dần dần chênh lệch giá vàng SJC với giá vàng thế giới sẽ trở về mức hợp lý hơn, từ 15 - 16 triệu đồng/lượng có thể xuống mức 12 - 13 triệu đồng/lượng, thậm chí 10 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, đạt được điều này cần thời gian, cần độ trễ", ông Phương nhấn mạnh.
Ông Huỳnh Trung Khánh đưa ra dự báo thận trọng: "Ước tính, mỗi tháng thị trường cần ít nhất 30.000 lượng vàng. Có lẽ phải 7 - 8 phiên đấu thầu vàng nữa mới có chuyển biến về giá".
"Quan trọng nhất là cho nhập khẩu vàng"
Bình luận về giá đấu thầu vàng trong phiên đấu thầu hôm nay, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, mức giá quá cao, doanh nghiệp mua vàng đấu thầu sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro nếu giá vàng quay đầu giảm.
Về nguyên tắc, người tham gia đấu thầu quyết định về giá, người mua quyết định số lượng. Tuy nhiên, với đấu thầu vàng, việc Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định về giá lại vừa quyết định về số lượng được ông Nghĩa đánh giá là không hợp lý.
Không đặt nhiều kỳ vọng tăng cung vàng nhờ đấu thầu, vị chuyên gia này nhấn mạnh: "Quan trọng nhất tăng nguồn cung là cho phép ngân hàng thương mại và các công ty kinh doanh vàng, bạc được xuất nhập khẩu vàng, Nhà nước chỉ nên kiểm soát bằng thuế.
Các công ty vàng, bạc nhập khẩu vàng rất đơn giản, nhập từ Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan… về Việt Nam rất nhanh. Nếu cho phép nhập khẩu vàng, ngay lập tức trong vòng 1 tuần, giá vàng trong nước sẽ giảm xuống và bằng giá vàng thế giới".
Cho nhập khẩu vàng, theo ông Nghĩa, không cần lo ngại về vấn đề tỷ giá hay "vàng hóa". Lý do, lâu nay không cho phép nhập khẩu vàng thì ngoại tệ vẫn "chảy" vào vàng qua đường nhập lậu. Chênh lệch giá vàng cao khuyến khích nhập lậu vàng.
Cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã tách vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng (cấm vàng trở thành tiền gửi và cho vay trong hệ thống ngân hàng) nên "vàng hóa" đã kết thúc.
Phiên đấu thầu ngày 8.5 là phiên đấu thầu vàng miếng SJC thứ 5 trong năm nay. Tổng khối lượng vàng miếng đấu thầu là 16.800 lượng vàng. Khối lượng vàng miếng của 1 lô giao dịch là 100 lượng. Tỷ lệ đặt cọc 10%. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 85,3 triệu đồng/lượng.
Điểm khác biệt lớn nhất trong phiên đấu thầu hôm nay với các phiên đấu thầu trước đó là khối lượng đấu thầu tối thiểu 1 thành viên được phép đặt thầu là 7 lô (tương đương 700 lượng vàng); trong khi các phiên đấu thầu trước là 14 lô (tương đương 1.400 lượng vàng).
Khối lượng đấu thầu tối đa 1 thành viên được phép đặt thầu vẫn tương tự các phiên trước là 20 lô (tương đương 2.000 lượng vàng).
Trước phiên đấu thầu vàng sáng nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần thông báo lịch đấu thầu vàng miếng SJC vào các ngày 22.4, 23.4, 25.4 và 3.5. Mỗi lần đều đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC.
Ngoài phiên đấu thầu ngày 23.4 khá ế ẩm khi chỉ 2 thành viên trúng thầu 3.400 lượng vàng, các phiên đấu thầu còn lại đều bị hủy. Lý do hủy phiên đấu thầu ngày 22.4 là bởi không đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc. Trong khi đó, các phiên còn lại đều bị hủy cùng lý do chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu.
Bình luận (0)