Cho phá sản đối với ngân hàng yếu kém

20/11/2017 17:52 GMT+7

Theo quy định luật Sửa đổi, bổ sung một số điều luật Các tổ chức tín dụng, có 5 phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, phương án xấu nhất là cho phá sản .

Với đa số đại biểu tán thành, chiều nay (20.11), Quốc hội đã thông qua luật Sửa đổi, bổ sung một số điều luật Các tổ chức tín dụng. Một trong những nội dung đáng chú ý của luật sửa đổi lần này là việc kiểm soát đối với các tổ chức tín dụng hoạt động yếu kém.
Theo đó, luật quy định Ngân hàng Nhà nước xem xét áp dụng can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng lâm vào một trong các trường hợp: không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn trong thời hạn 6 tháng liên tục; không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 3 tháng liên tục; xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Theo quy định luật Sửa đổi, bổ sung một số điều luật Các tổ chức tín dụng, có 5 phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, bao gồm: phương án phục hồi; phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; phương án giải thể; phương án chuyển giao bắt buộc và phương án phá sản.
Đối với phương án phá sản, luật quy định Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ quyết định chủ trương phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, khi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt lâm vào tình trạng phá sản.
Đạo luật này cũng có quy định chuyển tiếp. Theo đó, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã được kiểm soát đặc biệt, hoặc đang thực hiện phương án xử lý được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoặc ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc trước ngày luật này có hiệu lực, được tiếp tục thực hiện theo phương án đã được phê duyệt
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15.1.2018.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.