Thống đốc Ngân hàng: Bitcoin không phải đồng tiền thanh toán

16/11/2017 16:41 GMT+7

Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các đại biểu lo lắng đặt câu hỏi sẽ huy động vàng , ngoại tệ còn dự trữ lớn trong dân thế nào và có công nhận thanh toán bằng đồng Bitcoin.

Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng lượng vàng, ngoại tệ trong dân đang khá lớn, nếu huy động được sẽ giúp có thêm nguồn lực đưa vào sản xuất kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì để huy động nguồn lực này để “ích nước, lợi nhà”? Đại biểu Nguyễn Sơn đánh giá cao thành công trong điều hành chính sách tín dụng, vàng ngoại tệ vừa qua. Nhưng theo ông, lượng vàng người dân trực tiếp nắm giữ còn lớn, nếu huy động được có thể bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh, sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ có chính sách gì?
Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cũng nêu thực tế hiện vẫn còn lượng lớn vàng, ngoại tệ trong dân. Ông đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách huy động vốn trong dân và cam kết tiền gửi người dân.
Ông Nhường cũng đề cập, hiện tiền ảo Bitcoin và tiền điện tử đang trở thành chủ đề nóng. "Thống đốc có đồng ý đề xuất cho Đại học FPT thu học phí sinh viên nước bằng tiền Bitcoin, hay Công ty Cốc Cốc thu hút vốn đầu tư từ Đức bằng đồng tiền Bitcoin này?", ông đặt câu hỏi và cho hay, nếu quản lý được thì đây là kênh thu hút vốn đầu tư rất lớn, bắt kịp công nghệ 4.0.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, biện pháp căn cơ, bền vững nhất sẽ báo cáo Chính phủ cuối năm nay là tăng cường nội lực trong nước, từ đó người dân sẽ không bỏ vốn vào vàng, ngoại tệ mà trực tiếp đầu tư bằng đồng Việt Nam. Trước đây thị trường vàng biến động gây bất ổn cho vĩ mô, thì gần đây thị trường tự điều tiết, đã chuyển hoá được một phần nguồn lực rất lớn từ vàng sang nền kinh tế.

Về cam kết bảo hiểm tiền gửi, quan điểm chung là bất cứ trường hợp nào xử lý các phương án với tổ chức tín dụng, thì mục tiêu đầu tiên là đảm bảo an ninh hệ thống ngân hàng và quyền lợi người gửi tiền.

Đưa vàng trong dân vào kinh doanh
'Nung chảy' hàng trăm tấn vàng trong dân đưa vào sản xuất kinh doanh, theo nhiều chuyên gia là chủ trương đúng đắn, nhiều nước đã làm, nhưng nó cần phải được tính toán có lộ trình từng bước, thận trọng. Trong đó, an toàn của hệ thống ngân hàng và quyền lợi của người dân phải được đặt lên hàng đầu.

Liên quan đến đồng Bitcoin, ông Hưng cho biết, đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng đang nghiên cứu hướng quản lý. Kinh nghiệm một số nước cấm tuyệt đối giao dịch Bitcoin, một số nước thừa nhận nhưng khuyến cáo rủi ro, một số cho phép thanh toán bằng Bitcoin. 

Quan điểm của Việt Nam thì Bitcoin không phải đồng tiền pháp định, không phải phương tiện thanh toán hợp pháp của pháp luật hiện hành. Hiện nay nhìn nhận Bitcoin dưới quan điểm tài sản hàng hoá còn nhiều quan điểm. Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tư pháp nghiên cứu quản lý tiền ảo, trong đó có Bitcoin. “Trong xu hướng hiện nay, cần có khuôn khổ quản lý đồng tiền ảo cho phù hợp”, ông Hưng nhận định.

Ông Hưng cũng cho biết, chưa nhận được đề xuất chi tiết của Đại học FPT liên quan đến Bitcoin. Nếu nhận được sẽ giao cho các đơn vi chức năng thực hiện đúng quy định pháp luật, ngoài thẩm quyền sẽ báo cáo Chính phủ. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.