Chợ Phan Thiết mới được đầu tư xây dựng hơn 146 tỉ đồng do
tiểu thương đóng góp. Mặc dù chưa bàn giao cho Ban quản lý nhưng chợ đã
bộc lộ nhiều điểm bất cập.
Một góc chợ Phan Thiết bỏ hoang và chứa rác |
Ô nhiễm môi trường
Ông Nguyễn Văn B., một hộ kinh doanh nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng (khu B- thuộc P.Đức Nghĩa, TP.Phan Thiết) bức xúc vì nhà ông ngay sát khu xử lý nước thải của chợ. “Ban ngày còn đỡ, ban đêm gia đình tôi và các hộ dân xung quanh không thể nào chịu nổi mùi hôi thối từ khu xử lý nước thải của chợ. Chúng tôi kiến nghị thì họ nối ống thoát hơi lên trên cao. Tuy nhiên đó chỉ là kiểu làm “chữa cháy”. Khi chợ vận hành mùi hôi sẽ còn kinh khủng hơn. Tôi không hiểu họ thiết kế kiểu gì”.
Tương tự, bà Lê Thị Bông, một hộ kinh doanh tại khu B, cho biết mùi hôi thối phát ra khiến chẳng có khách nào đến ki ốt của bà. “Chợ đưa vào hoạt động hai tháng nay, nhưng chẳng ai trong số các hộ tiểu thương sát cái khu xử lý này buôn bán được vì ô nhiễm môi trường”, bà Bông bức xúc.
Tại kỳ họp HĐND TP.Phan Thiết cuối tháng 12.2015, đại biểu Trần Ngọc Thành (tổ 4, P.Đức Nghĩa) đã đề cập đến những bức xúc của cử tri về chuyện ô nhiễm môi trường ở chợ mới. Ông Thành cho rằng ống thoát hơi của của khu xử lý nước thải chỉ cao 4 m là quá thấp. Ngay sau đó, đơn vị thi công đã nối ống thông hơi vào nóc chợ, cao thêm 15m nữa (hiện nay cao 18,4m). Tuy nhiên, theo các hộ dân xung quanh khu xử lý nước thải thì khi vận hành, mùi hôi vẫn bốc lên nồng nặc.
Trả lời vấn đến này, ông Đỗ Minh Trí- Trưởng ban quản lý Dự án TP.Phan Thiết, cho hay do quá trình nuôi cấy vi sinh chưa đạt chuẩn. Ngoài ra do ống thoát hơi lọc than hoạt tính quá thấp là nguyên nhân gây ra mùi hôi thối.
Chợ mới chỉ để làm kho
Hiện nay các tiểu thương chợ Phan Thiết đã đóng xong tiền đợt 3 (tổng cộng 5 đợt) và đã nhận ki ốt. Tuy nhiên, do thiết kế không phù hợp nên hiện nay có cả trăm ki ốt bỏ…hoang. Đó cũng là con số hộ tiểu thương bỏ chợ hoặc kinh doanh không hiệu quả. Bà Nguyễn Thị H., một tiểu thương buôn bán hàng mã trên lầu khu B ngao ngán: “Anh nhìn đi, ki ốt của tôi có ai đến mua bán gì không. Họ xây cái ki ốt khi mà lối đi chưa tới nửa mét, nằm sát vách trong cái hẻm hóc lầu B này, ai mà đến đây mua hàng?”.
Không chỉ riêng bà H., hàng loạt ki ốt nằm sát vách khu B- Ngô Sĩ Liên, Đinh Tiên Hoàng đều chung số phận. Ông Bảy, một hộ kinh doanh nhang, hàng mã cho biết không riêng gì ông, nhiều tiểu thương sử dụng ki ốt trên lầu B chỉ làm…kho chứa hàng. “Chẳng có ma nào lên đó đâu mà buôn với bán”, ông Bảy bức xúc.
Theo quan sát của phóng viên, trên lầu B, khu giáp đường Đinh Tiên Hoàng- Ngô Sĩ Liên là “khu chợ cụt” vì nó nằm cuối con đường và không có lối thoát (giáp khu nhà vệ sinh). Khu vực này có hơn một trăm ki ốt bỏ không, hoặc đóng cửa. Một vài hộ mở cửa kinh doanh nhưng rất ế ẩm do không có lối thoát, chật chội, ô nhiễm môi trường, lại nằm trên cao nên không có người mua.
Trước tình cảnh này, nhiều tiểu thương trên lầu B đã kiến nghị UBND TP.Phan Thiết cho mở cửa phía mặt đường Đinh Tiên Hoàng nhằm “cứu vớt” tình trạng ế ẩm. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng Ban quản lý chợ Phan Thiết, cho biết hiện nay chợ Phan Thiết vẫn đang vận hành thử. Các nhà thầu thi công vẫn chưa bàn giao nên chợ vẫn đang trong thời gian bảo hành.
“Chúng tôi đã tiếp thu kiến nghị của tiểu thương mở cửa lầu B phía đường Đinh Tiên Hoàng. Hiện kiến nghị này đã được UBND TP.Phan Thiết giao cho các ban ngành nghiên cứu tham mưu để quyết định. Do đã cuối năm, nên việc điều chỉnh này có thể không làm kịp trước tết”, ông Minh giải thích.
Chợ Phan Thiết được khởi công tháng 5.2014 trên diện tích gần
14.000 m2. Chợ gồm hai khu A và B, mỗi khu đều có tầng trệt và tầng lầu
với 1.200 ki ốt/1.000 tiểu thương đăng ký kinh doanh. Tổng kinh phí xây
chợ là 146 tỉ đồng do tiểu thương đóng góp.
|
Bình luận (0)