Cho phép chuyển đổi đất lúa

28/09/2013 03:00 GMT+7

Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định như vậy tại Hội nghị toàn quốc triển khai đề án Tái cơ cấu nông nghiệp diễn ra ngày 27.9 ở Hà Nội.

Cho phép chuyển đổi đất lúa
Nếu không thể tăng thu nhập của nông dân thì đề án Tái cơ cấu nông nghiệp xem như thất bại - Ảnh: Diệp Đức Minh

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, triển khai đề án cần tập trung sắp xếp lại khâu tổ chức sản xuất và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ. Nếu cứ để tự nông dân với trình độ sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, manh mún thì rất khó tiến tới nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa.

“Đừng có cứng nhắc như thế”

“Trong quá trình thảo luận xây dựng đề án này, các chuyên gia cứ cố gắng thể hiện để có diện tích cây nọ cây kia, sản lượng bao nhiêu nhưng đừng có cứng nhắc như thế. Khi về làm, xin các địa phương nhớ cho, chỉ đặt ra một câu hỏi, làm thế nào để dân được lợi nhất, lợi ở đây là lãi tính bằng tiền, lãi được nhiều tiền nhất”, ông Phát nói và khẳng định diện tích 3,8 triệu đất trồng lúa trong đề án là quy hoạch để giữ năng lực sản xuất lúa về lâu dài. Còn trồng cây gì trên đất này cho hiệu quả kinh tế thì cần linh hoạt chuyển đổi. Nơi nào có điều kiện thì mạnh dạn hỗ trợ nông dân.

 

Khi về làm, xin các địa phương nhớ cho, chỉ đặt ra một câu hỏi, làm thế nào để dân được lợi nhất, lợi ở đây là lãi tính bằng tiền, lãi được nhiều tiền nhất

Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT

 

Ông Phát cũng cho biết, Thông tư liên bộ hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu trên đất trồng lúa sẽ sớm được ban hành, bởi mục tiêu của chuyển đổi là thu nhập của người nông dân chứ không làm theo số lượng chỉ tiêu. Bộ trưởng nhấn mạnh, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ sẽ là vấn đề trọng tâm, đột phá trong tái cấu trúc bởi dư địa trong khâu chế biến trong các ngành sản xuất còn nhiều, để tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đây cũng là giải pháp quan trọng tăng thu nhập cho người nông dân, xóa đói giảm nghèo và giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Bày tỏ sự ủng hộ đề án tạo ra bước đột phá trong nông nghiệp, nhưng ý kiến từ đại biểu cũng còn không ít băn khoăn. Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), ông Trương Thanh Phong, cho rằng mục tiêu đề án sản xuất 8,5 triệu tấn lúa nhưng không nhất thiết phải làm cho đủ số này, chỉ cần 5 - 6 triệu tấn nhưng phải thật sự giá trị. Theo ông Phong, việc tổ chức lại sản xuất ngoài mô hình trang trại lớn nên nhân rộng hợp tác xã để thu hút nông dân vào sản xuất, sẽ vững chắc hơn các tổ, đội như hiện nay, như vậy mới đủ tầm sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Tổng giám đốc Tập đoàn Cao su VN, ông Trần Ngọc Thuận, cho rằng nông nghiệp có nhiều sản phẩm xuất khẩu, “nói nhiều thì nghe hay chứ không oai” vì chỉ xuất thô, giá trị thấp. Chia sẻ tâm trạng “vừa mừng vừa lo khi nhìn vào các chỉ tiêu”, ông Thuận lấy ví dụ riêng ngành trồng trọt hiệu quả sử dụng đất bình quân năm 2020 đạt tổng giá trị 150 triệu/ha và nhận định: “Nếu đạt được con số này thì rất tốt nhưng xác định tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp thì nên đặt chỉ tiêu bằng hiệu quả lợi nhuận chứ không nên chỉ tính toán bằng doanh thu”.

Sẽ thất bại nếu thiếu doanh nghiệp

Giám đốc Sở NN-PTNN tỉnh Đắk Lắk, ông Trang Quang Thành, cho rằng nông dân làm nông nghiệp đang đối mặt với đủ loại khó khăn. Sản phẩm làm ra nhiều, chất lượng tốt nhưng giá bán, đầu ra thị trường thì họ không thể quyết định. Như ở Đắk Lắk, có trái bơ ngon nổi tiếng, ở các thị trường bên ngoài bán cỡ 40.000 - 50.000 đồng/kg nhưng ở tại vườn giá chỉ có 3.000 đồng/kg. Rồi đến cà phê, giá xuống 35.000 đồng/kg, nông dân tự khắc chặt bỏ hết. Giá trị lao động, sản phẩm thấp như thế, nông dân sao sống nổi. Muốn đảm bảo đời sống cho nông dân, sản phẩm làm ra phải được tiêu thụ, tiêu thụ với giá cao. “Nông dân không thể tự đi tìm được thị trường nếu không có vai trò của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không bao tiêu sản phẩm thì đề án đứng trước nguy cơ thất bại”, ông Thành nói.

Theo TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard), hiện tại đã có Nghị định 61 hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nhưng doanh nghiệp không mặn mà đầu tư. “Nếu cần sự đột phá, hỗ trợ về đất đai, cung cấp thông tin, hỗ trợ đào tạo lao động thì chưa đủ mà nên tiến tới miễn giảm thuế, có chế độ bảo hiểm rủi ro, tổ chức đầu tư hạ tầng để đưa doanh nghiệp vào mới thành công”, ông Sơn kiến nghị.

Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10.6.2013, với mục tiêu duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành bình quân từ 2,6 - 3,0%/năm, giai đoạn 2011 - 2015; từ 3,5 - 4,0%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực (bao gồm cả an ninh dinh dưỡng), góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo. Đến năm 2020, thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên 2,5 lần so với năm 2008. Số xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 20% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020....

Chọn loại cây phù hợp với nhu cầu thị trường

Tái cơ cấu không phải đơn thuần là chỉ chuyền từ cây lúa sang cây bắp, đậu nành… mà là những thứ phù hợp với nhu cầu của thị trường thế giới. Hiện nay là rau quả, trái cây mỗi năm tổng giá trị mua bán trên thị trường thế giới lên đến hàng trăm tỉ USD. Ở ĐBSCL nếu chúng ta đẩy mạnh sản xuất trái cây, rau cải với sản lượng lớn chất lượng cao, tôi nghĩ rằng đó mới là hướng đúng với nhu cầu thị trường. Đây là vấn đề mà đề án cần quan tâm vì nhu cầu thị trường của những mặt hàng này lớn hơn gạo rất nhiều lần.

GS-TS Bùi Chí Bửu
(nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) 

Không để nông dân tự bơi

Dứt khoát chuyển đổi cơ cấu nhưng phải trên cơ sở khoa học chứ không phải theo ý kiến chủ quan của một số cá nhân. Hiện nay các nghiên cứu về hệ thống trên các vùng canh tác của các viện, trường có nhiều kết quả, ngành nông nghiệp nên khai thác những kết quả đó để xây dựng thành các quy hoạch các vùng. Quy hoạch rồi thì phải dứt khoát có doanh nghiệp đứng ra làm đầu mối cho sản xuất theo quy hoạch đó, không để nông dân tự bơi nữa. Nông dân liên kết với nông dân thành một cụm, từ đó liên kết với doanh nghiệp, các nhà khoa học nhảy vào huấn luyện nông dân sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn. Làm đúng thì công ty thu mua và mua cao hơn thị trường, nếu không thì không mua. Lúc đó chắc chắn nông dân sẽ tuân thủ theo các quy trình sản xuất đề ra.

Để làm được điều này thì vai trò của các doanh nghiệp là rất quan trọng. Doanh nghiệp phải năng động tìm mở thị trường cho những sản phẩm hàng hóa của mình. Nhưng để có những doanh nghiệp năng động như vậy thì nhà nước phải có những cơ chế chính sách hỗ trợ.

GS-TS Võ Tòng Xuân

Chí Nhân (ghi)

Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.