Chợ phố sầm uất, rộn ràng sức sống
Trong hai tập 21, 22, Tôi yêu chợ Việt đã có dịp ghé thăm hai khu chợ có tuổi đời trên dưới trăm năm tại TP.HCM là chợ Thủ Đức (Võ Văn Ngân, P.Trường Thọ, TP.Thủ Đức) và chợ Bình Tây (quận 6). Theo một số tài liệu ghi chép, chợ Thủ Đức do tiền hiền Tạ Dương Minh sáng lập từ thế kỷ 17 và được tu bổ nhiều lần cho đến hôm nay. Trong khi đó, chợ Bình Tây do một thương gia người Hoa tên Quách Đàm bỏ tiền xây dựng từ năm 1928.
Khán giả chợ Ka Đô (Lâm Đồng) nhiệt tình tham gia thử thách |
Nguồn: BTC |
Theo chân nghệ sĩ Việt Hương, khán giả đã có dịp khám phá nhiều điều thú vị về hai ngôi chợ đầu mối ở đô thị nhộn nhịp nhất cả nước. Trong đó, chợ Thủ Đức nổi tiếng với các món ăn vặt, vải vóc và hoa giả. Ghé thăm một sạp vải có tuổi đời gần 40 năm, Việt Hương dễ dàng mua được 4 khúc vải may áo bà ba với giá tiền chỉ 78.000 đồng mỗi khúc.
Chợ đầu mối Bình Tây được mệnh danh là “vương quốc vải” với đa dạng chủng loại từ cao cấp đến trung cấp như vải lụa, vải thun, phi bóng, vải voan… Qua góc quay chân thực của Tôi yêu chợ Việt, khán giả cũng có dịp ghé thăm gần 900 gian hàng chuyên về thực phẩm và gia vị tại chợ Bình Tây.
Trong các thử thách của chương trình, tiểu thương TP.HCM thể hiện rõ chất hào sảng và chịu chơi của người dân phương Nam. Nếu tiểu thương chợ Thủ Đức chấp nhận nghỉ bán một hôm, “chôm” hai chiếc nắp xoong ở nhà ra tận nơi để cổ vũ thì tiểu thương chợ Bình Tây cũng không kém cạnh khi chấp nhận tranh tài ngay dưới cơn mưa lớn. Nhiều lần Việt Hương đã phải thốt lên rằng: “Được quay Tôi yêu chợ Việt ở TP.HCM nơi mình sinh sống thật tuyệt vời. Anh chị em quá trời máu lửa”.
Chợ quê yên bình, ấm áp nghĩa tình
Chia tay những khu chợ sầm uất nơi phố thị, Tôi yêu chợ Việt lên đường đến tỉnh Lâm Đồng để khám phá hai khu chợ vùng cao nguyên là chợ Ka Đô (Nam Hiệp 1, Đơn Dương, Lâm Đồng) và chợ Thạnh Mỹ (thị trấn Thạnh Mỹ, Đơn Dương, Lâm Đồng). Nông sản vùng cao và trái cây cũng là các mặt hàng chủ đạo tại những khu chợ này. Từ cà rốt, su su, su hào, đến bắp cải, cải thảo… vô cùng đa dạng. Mức giá cũng đúng chất chợ quê khi 1 kg cải thảo tại chợ Ka Đô chỉ có giá 10.000 đồng, 1 chiếc bánh tráng nướng tại chợ Thạnh Mỹ cũng chỉ có 6.000 đồng.
Chia sẻ về lịch sử và văn hóa bán buôn tại các khu chợ kể trên, đại diện ban quản lý đều nhấn mạnh tinh thần tương thân tương ái và đoàn kết của các tiểu thương. Ông Bùi Công Luận (Trưởng ban Quản lý chợ Ka Đô) cho biết: “Chợ Ka Đô hình thành năm 1965, lúc đó là chợ nhỏ, chợ gỗ tạm bợ thôi. Đến năm 2000 thì bà con tự tổ chức, vận động, góp vốn để xây dựng chợ. Chợ Ka Đô giống như là chợ đầu mối vậy, tất cả các xã lân cận như Lạc Xuân, Thạnh Mỹ, Lạc Lâm… bà con vẫn vào đây để lấy hàng. Từ các mặt hàng tạp hóa, điện máy, rau củ,… Các xã khác cũng đến đây nhận hàng về bán”.
Tương tự, chợ Thạnh Mỹ cũng được ví như “trái tim” của thị trấn bởi vị trí huyết mạch của nó. Mặt hàng chủ yếu ở chợ là đồ gia dụng và nông sản địa phương. Chị Trần Ngọc Phương Thảo (tiểu thương chợ Thạnh Mỹ) chia sẻ: “Tôi gắn liền với chợ 13 năm nay. Tất cả chị em tiểu thương trong chợ đều gắn bó thân thiết với nhau. Ban quản lý chợ cũng rất vui vẻ, không ai cãi vã nhau. Tôi mong ước sẽ được bán mãi ở chợ Thạnh Mỹ”.
Khán giả chưa theo dõi các tập phát sóng trước đó của Tôi yêu chợ Việt mùa 7 có thể xem lại trên kênh Youtube Báo Thanh Niên.
Chương trình “Tôi yêu chợ Việt” mùa 7 do Báo Thanh Niên cùng Big Vision Media phối hợp thực hiện. Mọi chi tiết, hoặc nhu cầu quảng cáo/tài trợ trong chương trình, vui lòng liên hệ BTC:
Email: toiyeuchoviet@gmail.com hoặc quangcao@thanhnien.vn
Hotline: 0908.780404 - 0901.306899.
Bình luận (0)