(TNO) Ngày 27.12, tiếp tục phiên tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm vụ đại án Huỳnh Thị Huyền Như, luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng các bị cáo đều bị Huyền Như lừa và đề nghị tòa xem xét lại tội danh.
Bị cáo Huyền Như tại phiên tòa sáng nay - Ảnh: Nam Hải
|
Luật sư Phan Hồng Việt (Đoàn luật sư TP.HCM) bào chữa cho bị cáo Đoàn Lê Du (nguyên Trưởng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng - Vietinbank), người đã bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 17 năm tù về tội “vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” đã tập trung phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm.
Theo luật sư Việt, dấu hiệu đặc biệt của tội danh này là phải có thiệt hại nghiêm trọng xảy ra trực tiếp cho chính tổ chức tín dụng đó, mà cụ thể là Vietinbank. Trong khi đó, tại bản án sơ thẩm lại cho rằng Vietinbank không phải là đơn vị thiệt hại mà chỉ có khách hàng của Vietinbank mới bị thiệt hại (với tổng số tiền hơn 239 tỉ đồng bị thất thoát qua phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng).
Trước đó, bị cáo Du đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa sáng nay, bị cáo Du đã kêu oan và cho rằng mình cũng chỉ là nạn nhân của Huyền Như, do quá tin tưởng vào Huyền Như nên đã bị lừa. Với lập luận do Vietinbank không có thiệt hại nên bị cáo Du chỉ có thể phạm tội thiếu trách nhiệm hoặc vô ý gây thiệt hại…; đồng thời đề nghị HĐXX hủy một phần án sơ thẩm và xem xét lại theo hướng bị cáo không phạm tội danh này.
Đối với bị cáo Vũ Nguyễn Xuân Tiên, luật sư Hà Mạnh Tường (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai) bào chữa cho bị cáo Tiên nhận định, với chức vụ của mình, Tiên chỉ có trách nhiệm kiểm soát trên hồ sơ sổ sách về thủ tục kế toán chứ không có quyền duyệt cho vay (Tiên là Phó trưởng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng - Vietinbank). Trước đó, bản án sơ thẩm đã tuyên phạt Tiên 11 năm tù cũng về tội danh “vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Bị cáo Tiên đã kháng cáo và đề nghị xem xét lại theo hướng không phạm tội.
Luật sư Tường nhận định: “toàn bộ 51 hồ sơ cho vay giao dịch tại phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng (được bảo đảm bằng 37 thẻ tiết kiệm đứng tên 12 cá nhân là nhân viên ACB và Navibank với số tiền hơn 239 tỉ đồng đã bị Huyền Như chiếm đoạt đều do Đoàn Lê Du ký duyệt cho vay và duyệt giải ngân 45 hồ sơ. Bị cáo Tiên chỉ duyệt giải ngân 6 hồ sơ trên 51 hồ sơ khi đã thực hiện đầy đủ và đúng quy định của ngân hàng, như vậy, trách nhiệm thuộc về Đoàn Lê Du chứ không phải Tiên”. Từ đó, luật sư Tường đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra lại hoặc tuyên bố Vũ Nguyễn Xuân Tiên không phạm tội.
Tương tự, bị cáo Lương Thị Việt Yên, nguyên là Trưởng phòng giao dịch Võ Văn Tần - Vietinbank, đã bị HĐXX cấp sơ thẩm xử phạt 7 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (để thất thoát 50 tỉ đồng), luật sư Nguyễn Đức Huy (Đoàn luật sư TP.HCM) bào chữa cho bị cáo Yên cho rằng chính Hồ Hải Sỹ, cấp phó của Yên, mới là người trực tiếp phê duyệt hồ sơ mở tài khoản mang tên khách hàng Dương Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Bé Năm trái quy định, từ 2 tài khoản này đã giúp cho Huyền Như rút được số tiền 50 tỉ đồng tại chi nhánh Võ Văn Tần. Vì vậy, luật sư cho rằng với bản án mà cấp sơ thẩm đã tuyên cho bị cáo Yên là quá “nặng" và đề nghị HĐXX giảm án cho bị cáo Yên.
Với nhóm tội “cho vay nặng lãi”, luật sư Trịnh Bá Thân, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thiên Lý, phân tích vấn đề các số liệu kết quả của cơ quan tố tụng về số tiền thu lợi bất chính của bị cáo, theo luật sư, có sự không thống nhất giữa lời khai của Huyền Như và bị cáo Lý liên quan đến con số hơn 633 tỉ đồng vốn Lý đã cho Như vay nhằm thu lợi bất chính (từ lãi suất vượt trần). Đồng thời, luật sư Thân cũng đưa ra các số liệu cho thấy HĐXX cấp sơ thẩm đã thống kê không chính xác số vốn, cũng như số tiền bất chính mà bị cáo Lý đã hưởng được. Cụ thể, số tiền 414 tỉ đồng tiền lãi mà Lý nhận được từ Như đã chưa trừ ra các khoản vốn. Bị cáo Lý cũng cho rằng nếu trừ ra các khoản vốn thì thực chất, bị cáo chưa nhận được khoản lợi bất chính nào từ Huyền Như.
Chiều 27.12, HĐXX nghỉ làm việc, sáng 29.12 phiên tòa sẽ tiếp tục.
Bình luận (0)