Đã quá khổ trong đợt dịch này, chị Phan Thị Tài Linh, trọ trên đường Lê Văn Lương (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) khóc nghẹn chia sẻ: “Mình chỉ mong hết giãn cách để được đi làm trở lại. Nếu sau ngày 30.9 này Sài Gòn không kiểm soát được dịch, không nới lỏng giãn cách, người dân không thể đi làm để kiếm sống nữa thì không biết phải làm sao luôn. Chúng tôi quá khổ rồi, ở nhà mấy tháng nay, con nhỏ 2 đứa kêu khóc cả ngày, tiền ăn không có, tiền trọ nợ mấy tháng, cha mẹ già yếu ở quê không có tiền gửi về lo. Mong rằng sau 30.9 sẽ được đi làm trở lại”.
|
Kiệt quệ cả vật chất lẫn tinh thần
Kể từ khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, TP.HCM đã trải qua các đợt giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ. Cụ thể, từ 31.5 đến 14.6, thành phố giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ; từ 15.6 đến 8.7 giãn cách tăng cường theo Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM; từ 9.7 đến 15.9 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều hộ công nhân và lao động tự do đã rất mong chờ thành phố sau ngày 15.9 sẽ kiểm soát được dịch bệnh như mục tiêu và nhiệm vụ đã đặt ra trước đó, để có thể nới lỏng giãn cách và được đi làm trở lại. Nhưng đến ngày 15.9, TP.HCM lại tiếp tục đợt “gia hạn” giãn cách triệt để, nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16 đến hết ngày 30.9. Người lao động, đặc biệt là các gia đình lao động trẻ cho biết họ đã kiệt quệ cả về vật chất đến tinh thần trong đợt dịch này, họ rất mong đây là lần “gia hạn” cuối cùng để họ sớm được ra đường kiếm kế sinh nhai.
|
Chị Phan Thị Tài Linh là nhân vật đã từng nhiều lần gọi điện cầu cứu sữa cho con trong đợt dịch lần thứ 4. Chị Linh là lao động tự do, chồng làm thợ hồ nên khi dịch bùng phát và phải thực hiện giãn cách, gia đình chị Linh đã vô cùng khó khăn do có con nhỏ 2 tuổi và một đứa 9 tuổi nhưng bị thiểu năng, chậm phát triển, phải dùng thuốc thường xuyên. Nhưng không đi làm được, không có tiền ăn hằng ngày và mua sữa, thuốc thang cho con nên con cứ quấy khóc cả ngày.
Trong đợt dịch này, gia đình chị Linh lại chẳng may nhiễm Covid-19 phải đi cách ly điều trị. “Tiền đã không có mà lại thêm bệnh tật, khổ đủ đường. Giờ cả gia đình đã khỏi bệnh về nhà hơn tháng nay nhưng kinh tế gia đình đã suy kiệt, tiền ăn không có phải mượn nợ của chủ nhà trọ. Giờ tiền phòng nợ mấy tháng nay không có tiền đóng mà lại mượn thêm tiền để mua đồ ăn. Nhưng dịch bệnh người ta cũng khó khăn, đâu ai cho mượn được nhiều. Những ngày qua có 4 hủ chao mà 2 vợ chồng ăn hết ngày này đến ngày khác, rồi người ta cho thêm rau, thêm gạo sống qua ngày”, chị Linh nghẹn ngào kể.
|
Chị Linh cho biết người lớn thì ăn sao cũng được, có gì ăn nấy, chỉ có thương 2 đứa nhỏ: “Bé nhỏ không có sữa để uống cứ khóc cả ngày, nên có nơi nào cho sữa là gọi điện đến cầu cứu để xin sữa cho con uống đỡ. Thằng lớn từ đợt dịch đến giờ không có một viên thuốc để uống vì tiền ăn còn không có thì lấy đâu ra tiền mua thuốc cho con. Cha mẹ già yếu ở quê cũng không có tiền để gửi về lo, bình thường trước đây cứ tháng là làm dồn lại rồi gửi về lo cho cha mẹ, nhưng mấy tháng dịch nay thì…”, chị Linh khóc nghẹn vì thương cha mẹ già và con nhỏ.
Giờ vợ chồng chị Linh chỉ chờ mong đến ngày 30.9 sẽ nới lỏng giãn cách và cho người dân được đi làm trở lại. “Thật tình 4 tháng nay nhận được gói hỗ trợ 1.2 triệu đồng và gói quà an sinh mà cả gia đình thì sống sao cho qua dịch. Tiền trọ một tháng hơn 2 triệu chưa tính điện nước mà nợ mấy tháng nay luôn rồi. Nếu sau 30.9 này mà cho đi làm trở lại thì chắc mừng đến khóc luôn, chứ thật sự giờ chúng tôi khổ quá rồi. Vắc xin cả 2 vợ chồng cũng đã tiêm đủ, lại là F0 khỏi bệnh nữa, chúng tôi rất mong sớm được đi làm trở lại”, chị Linh bày tỏ.
Mong chờ mỏi mòn
Chị Trần Kim Tuyến (ngụ tại Chợ Bà Điểm, huyện Hóc Môn) bày tỏ: “Thực sự giờ chỉ mong sau ngày 30.9 này Thành phố sẽ mở cửa, cho người dân đi làm lại. Để họ còn con đường sống, chứ xung quanh khu mình ở công nhân nhiều, họ thất nghiệp đói khổ mà đâu có được hỗ trợ gì đâu, xót xa lắm. Họ phải xin từng cọng rau, gói mì và trông chờ vào gói hỗ trợ mà chờ hoài không thấy đâu”.
Chị Tuyến cũng có nguyện vọng: “Nếu sau 30.9 mà vẫn còn giãn cách thì nên hỗ trợ cho người dân về quê bớt, nếu như họ đã chích đủ 2 mũi vắc xin. Chứ ở đây họ đói khổ quá, cứ lên mạng thấy họ kêu than mà thấy xót quá”.
|
Gia đình đông thành viên, cha làm bảo vệ, mẹ đi nhặt và mua bán ve chai lại phải cưu mang người cậu lớn tuổi bị yếu tay chân không lao động được nên cuộc sống của gia đình Bành Ngọc Như Ý (ngụ trên đường Đoàn Văn Bơ, Q.4, TP.HCM) vốn dĩ đã khó khăn, nay lại càng thêm khốn khổ hơn.
Bình thường Như Ý vừa đi học, vừa đi làm để kiếm tiền trang trải việc học và phụ với ba mẹ, nhưng từ khi đợt dịch này bùng phát, Ý không đi làm được, ba mẹ cũng không có việc làm. Đã thế, cả gia đình lại còn chẳng may bị nhiễm Covid-19, cuộc sống lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn.
“Đến nay dù gia đình em đều đã may mắn khỏi bệnh nhưng không còn tiền để trang trải cuộc sống. Đợt dịch vừa qua thấy chỗ nào người ta cho hỗ trợ cái gì là em gọi đến đó để xin. Giờ cả gia đình em chỉ mong ngày 30.9 này thành phố kiểm soát được dịch, cho người dân được ra đường đi làm, chứ nếu không gia đình em không biết phải thế nào”, Như Ý nghẹn ngào bày tỏ.
|
Anh Nguyễn Tấn Đạt (ngụ trên đường Lý Thái Tổ, Q.3, TP.HCM) thì cho biết anh mòn mỏi đợi chờ đến 30.9 nhưng vẫn không còn kỳ vọng như nhiều lần trước vì “gia hạn” giãn cách đã rất nhiều lần.
“Bản thân mình đã hơn 4 tháng qua phải tạm dừng công việc kinh doanh, các đơn hàng không thể vận chuyển, nguyên vật liệu thì không thể mua. Nhiều đơn hàng bị hủy do khách chờ lâu. Việc chờ đợi để được đi chợ cho gia đình bây giờ cực kỳ khó khăn, nhà mình sát bên Bách Hóa Xanh, chỉ đi tầm vài bước là đến nhưng mua trực tiếp thì không được, phải gọi nhờ đi chợ hộ hoặc đặt hàng online siêu thị và chờ vài ngày mới ship tới. Chỉ mong được đi lại thuận tiện hơn để mua nhu yếu phẩm, khám chữa bệnh. Nếu còn tiếp tục giãn cách không mở cửa thì bản thân mình sợ không thể trụ nổi vì tiền dành dụm đã gần hết. Nhiều bạn bè mình lâm vào cảnh nợ nần, hơn 4 tháng nay thu nhập bằng không, thực sự không biết phải làm như thế nào”, anh Đạt bày tỏ.
Anh cũng cho biết thời gian qua khu vực xung quanh nhà anh gần như mọi người đều mong ngóng nguồn tiền hỗ trợ và lương thực thực phẩm được mạnh thường quân đến chia sẻ. Vì giờ đây hộ khá giả hay hộ nghèo gì cũng đều khó khăn vì dịch.
“Chỉ biết mong ngóng để được mở cửa lại. Hy vọng sau ngày 30.9 này Sài Gòn sẽ không phải gia hạn giãn cách nữa. Chứ không người dân sẽ không thể trụ nổi vì đã quá khó khăn”, anh Đạt gửi gắm.
Bình luận (0)