Chó thả rông không rọ mõm, ai có quyền xử phạt?

25/09/2017 12:31 GMT+7

Vừa qua, xe bắt chó thả rông của Chi cục Thú y TP.HCM đi tới đâu là cả khu phố lại huyên náo đến đó, những người nuôi chó vội vã đưa thú cưng vào trong nhà. Ngoài lực lượng này, ai được quyền xử phạt?

Thực chất quy định phải đeo rọ mõm chó và dây xích khi dắt chó ra ngoài cũng như quy định về thả rông đã có từ lâu nhưng chưa có chế tài xử phạt. Thả rông chó ra đường gây nhiều bất bình cho những hộ gia đình xung quanh vì vấn đề phóng uế bừa bãi của chó gây mất vệ sinh công cộng.
Một số trường hợp khác khi đang tham gia giao thông vô tình tông phải chó thả rông cũng nguy hiểm đến tính mạng.
VIDEO: Đội bắt chó thả rông ở TP.HCM
Gần đây, mỗi khi xe bắt chó thả rông của Chi cục Thú y đi đến đâu là cả khu phố tại đó lại huyên náo, người bị bắt chó thì mếu máo xin tha. Vậy ngoài lực lượng này, những ai có thẩm quyền xử phạt không rọ mõm chó thả rông?
Trả lời câu hỏi này, luật sư Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn LS TP.HCM) cho biết từ 15.9, Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực thi hành. Điều 7 của Nghị định này nêu rõ: “Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng".
Đối với các khoản tiền phạt từ 600.000 đồng trở lên có rất nhiều cá nhân có thẩm quyền xử phạt vi phạm, bao gồm: Chủ tịch UBND các cấp, Chánh thanh tra từ Sở đến Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành về thú y; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Cục thú ý; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Sở/Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành về thú y; Trạm trưởng, đội trưởng CAND đang thi hành công vụ; Trưởng công an cấp xã….
Theo Điều 54 về Giao quyền xử phạt của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thể giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện thường xuyên hoặc theo vụ việc và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền.
Cấp phó được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về quyết định xử phạt vi phạm hành chính của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền cho bất kỳ người nào khác.
Khi đi xử phạt thì những người thực hiện nhiệm vụ này phải mặc trang phục chuyên biệt (nếu có) để người dân nhận diện là người có thẩm quyền xử phạt. Ngoài ra, người bị xử phạt cũng có quyền yêu cầu người xử phạt cho biết thẩm quyền của họ để tránh trường hợp lạm quyền hoặc khiếu nại, tố cáo về sau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.