Chợ buồn
Dù lãnh đạo TP Đà Nẵng đã chính thức khẳng định, sẽ không di dời chợ Cồn và chợ Hàn vào dịp cuối năm để sửa chữa, xây mới, nhưng không khí bán buôn ở chợ Cồn, ngôi chợ được coi là sầm uất nhất Đà Nẵng vẫn đìu hiu, quạnh quẽ. Chưa năm nào chợ Cồn rơi vào tình cảnh như thế này. Nhiều chủ hàng thậm chí không mở miệng mời chào khách nữa.
Vừa tạt vào một quầy hàng áo quần hỏi thăm vài chuyện giá cả, lập tức chúng tôi bị chủ hàng mắng té tát: “Mua thì mua, chớ đây không rảnh tiếp chuyện”. Chợt thấy mình có vẻ quá lời, bà chủ hàng phân bua: “Cô đi kiếm chỗ khác mà hỏi chuyện, chớ tui đang rầu rĩ thúi ruột gan đây. Bể hết, bể te tua rồi, còn chi mà hàng mới với hàng cũ”. Vài người buôn bán nhỏ xung quanh cũng góp chuyện: “Bả chừ nợ ngập đầu, hơi mô nữa mà mở miệng”.
Có hơn 1.400 hộ cố định, cùng 200 hộ không cố định buôn bán trong khu chợ mấy mươi năm tuổi này. Chợ Cồn vốn từng là nơi mà nhiều tiểu thương Đà Nẵng mơ ước được có một chỗ vào buôn bán. Chị Lê Thị Tức - Tổ trưởng tổ quản lý tiểu thương chợ Cồn - tâm sự: “Chưa bao giờ tiểu thương gặp khủng hoảng lớn như bây giờ. Đất rớt giá thê thảm, “đại gia” chết đứng chết ngồi, không còn kéo lũ lượt hàng hàng mua sắm như mọi năm. Thêm nữa, việc các ngân hàng chốt lại, không cho vay đã đẩy các tiểu thương vào thế đứng ngồi không yên. Không vay được tiền, thì không lấy được hàng, không xoay vòng để bổ sung vào nguồn vốn, nên hàng hóa càng trở nên kém phong phú, đó cũng là lý do đẩy khách ra khỏi chợ để tìm đến những nơi khác mua sắm. Nhiều tiểu thương khác thì tự đi vay nóng để bổ sung vốn. Vay nóng nhưng với tốc độ tiêu thụ cầm chừng như hiện nay, lãi mẹ đẻ lãi con nên càng... chết”. Chị Tức thở dài: “Năm ni, nói chung là tiểu thương căng thẳng mọi bề”.
Mất trắng vì hụi
Cơn khủng hoảng này không chỉ do tình hình chung mà còn liên quan đến một loạt vụ bể hụi xảy ra ở khu chợ này vào dịp giáp Tết. Theo ông Phan Quang Cả - Phó ban quản lý chợ Cồn - thời điểm cuối năm, giáp Tết là lúc mà tiểu thương cần vốn nhất để dự trữ hàng. Vậy mà liên tiếp những vụ bể hụi xảy ra trong và ngoài chợ khiến cho các tiểu thương điêu đứng. Đầu tiên, bà Lê Thị Ngọc Hà cùng với chồng con biến mất cùng số tiền biêu hụi, vay mượn của một loạt tiểu thương chợ Cồn gần 5 tỉ đồng. Chưa hết hoảng loạn, tiểu thương ở chợ lại gặp phải một vụ việc khác cay đắng hơn. Đó là bà Nguyễn Thị Nhớ cũng lẳng lặng rời bỏ nơi cư trú, ôm của 41 tiểu thương hơn 1,3 tỉ đồng. Một trong những tiểu thương gặp nạn ở đây là bà Lê Thị Ruộng, trú tại tổ 17, Nại Hiên Đông (Sơn Trà), bán chả cá. Bà Ruộng gom góp được 12 triệu đồng nộp vào đường dây biêu hụi của bà Nhớ. Cứ ngỡ cuối năm rút vốn ra, mua thêm hàng để bán. Thế nhưng, dự tính của bà Ruộng đã đổ vỡ.
Trường hợp bà Nguyễn Thị Sư, ở tổ 15, phường Vĩnh Trung (Thanh Khê) càng đau đớn hơn. Bà chuyên đổ nước chè cho các tiểu thương ở chợ Cồn. Nghe lời ngon ngọt của bà Nhớ, bà Sư cố gắng vay mượn, gom góp từ người thân nộp cho bà Nhớ 152 triệu đồng. Đến khi hay tin bà Nhớ không còn ở nhà nữa, bà Sự sống mà như chết, bao nhiêu dự định về tương lai tiêu tán theo mây khói. Hàng trăm tiểu thương buôn bán từ nhỏ lẻ đến hàng sỉ ở chợ Cồn cũng không còn một đồng vốn vì lỡ đặt trọn niềm tin vào những đường dây biêu hụi, đang ngày một khó kiểm soát ở các chợ.
Ông Phan Quang Cả cho biết: Thống kê sơ bộ tại chợ Cồn có trên 30 đường dây chơi biêu hụi. Nhỏ thì vài chục triệu, lớn vài tỉ đồng. Trong số này đã có 3 đường dây bị bể. Trước vụ bà Lê Thị Ngọc Hà, Nguyễn Thị Nhớ có trường hợp bà N.T.H bị bể hụi. Tuy nhiên, khi các tiểu thương làm lớn chuyện, bà H. đã bán nhà, cam kết hoàn trả đầy đủ. Vì sao các tiểu thương ham chơi biêu hụi, dễ dàng giao tiền cho các chủ đường dây? Theo ông Cả, do tình hình mua bán ngày càng khó khăn, trong khi lãi suất biêu hụi quá lớn, tiểu thương lại ham lời (lãi suất từ 10% trở lên). Ông Cả nhận xét: “Tình hình vỡ nợ liên tiếp đã làm các tiểu thương căng thẳng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động bán buôn tại chợ trong thời điểm cận Tết này”. Nhiều tiểu thương tâm sự, Tết năm nay có lẽ là cái tết buồn nhất từ trước đến nay ở chợ Cồn.
H.Trà - D.Hiền
Bình luận (0)