Ngỡ ngàng, bởi chỉ mới khoảng 2 tháng trước, chủ trương lấy lại vỉa hè cho người đi bộ được triển khai quyết liệt tại TP.HCM. Những biện pháp mạnh như đập, phá dỡ phần xây dựng lấn chiếm vỉa hè từ nhà dân cho tới khách sạn 5 sao đều triển khai thực hiện không có "vùng cấm"; những gánh hàng rong bị tịch thu; những bãi giữ xe không phép bị xóa sổ; ngay cả những quầy báo - nét văn hóa truyền thống của Sài Gòn lâu nay - cũng buộc phải đóng cửa, di dời...
Ban đầu chỗ này, chỗ kia bức xúc vì lâu nay vỉa hè là sinh kế của nhiều người nghèo, lấy lại chẳng khác nào tước mất "cần câu cơm" của họ. Lại có ý kiến cho rằng trước khi lấy lại vỉa hè thì TP phải lo đầu ra cho xe cộ, cho hàng rong chứ không thể "đùng một cái" cấm buôn bán, cấm giữ xe...
Nhưng vì mục tiêu "lấy lại vỉa hè cho người đi bộ" và từ đó góp phần hạn chế vấn nạn ùn tắc giao thông đang ngày càng gia tăng nên cuối cùng hầu hết người dân đều đồng lòng nhất trí. Chiến dịch lấy lại vỉa hè khởi động từ quận 1 đã lan rộng sang nhiều quận, huyện của TP.HCM; thậm chí nhiều tỉnh, TP khác.
Kết quả tất nhiên chưa được như mong muốn nhưng đã có nhiều vỉa hè, lòng đường thông thoáng. Hình ảnh người dân, khách du lịch thong dong trên phần đường dành cho người đi bộ thay vì phải tràn xuống lòng đường, gây nguy hiểm cho bản thân và lấn chiếm phần đường của xe cộ như trước kia, khiến TP trở nên văn minh, đáng sống hơn.
Phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng 5 của Chính phủ tổ chức ngày 3.6 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý Hà Nội, TP.HCM về vấn đề tái chiếm vỉa hè, lòng đường mà báo chí đã phản ánh. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần xử lý kiên quyết, liên tục, không để tình trạng “đầu voi đuôi chuột”. Nói thế để thấy, chủ trương lấy lại vỉa hè cho người đi bộ nhận được sự ủng hộ từ T.Ư đến chính quyền địa phương, đặc biệt là người dân.
Ấy thế mà đùng một cái, Sở GTVT TP.HCM lại trình đề án cho thuê vỉa hè để lấy tiền nộp... ngân sách. Hành động này khiến người dân không thể không đặt câu hỏi, mục đích thật sự của "chiến dịch giải cứu” vỉa hè trước đây là gì? Có thực sự vì người đi bộ hay "mượn" người đi bộ để hợp pháp hóa việc cho thuê vỉa hè? Theo sở này, việc thu phí sử dụng lòng đường, hè phố là hết sức cần thiết trên địa bàn TP.HCM nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc sử dụng một phần công năng của lòng đường, hè phố được hiệu quả, đúng mục đích; bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị đồng thời đem lại nguồn thu cho ngân sách.
Có thể khẳng định, các lý do này đều không thuyết phục. Đầu tiên, theo quy định của luật Giao thông đường bộ, vỉa hè là của người đi bộ. Việc lấn chiếm hay cho thuê để kinh doanh đều là vi phạm. Thứ hai, thực tế tại TP.HCM và hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước cho thấy, việc buôn bán, kinh doanh ở vỉa hè đã khiến mỹ quan đô thị bị ảnh hưởng nặng nề. Chỉ cần đảo qua một vòng ở trung tâm TP sẽ thấy sự nhếch nhác từ hàng quán lề đường; sự mất vệ sinh khi cả người bán lẫn người mua đều vô tư xả rác; những vụ gây lộn tranh giành "lãnh địa" cũng xảy ra như cơm bữa gây phản cảm với du khách... Thứ ba, cũng vì vỉa hè bị lấn chiếm để kinh doanh nên người mua phải đậu xe lòng đường, người đi bộ phải tràn xuống đường... gây ùn tắc, ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Quan trọng hơn, đề xuất cho thuê để kinh doanh ngay sau "chiến dịch" lấy lại vỉa hè cho người đi bộ sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người dân TP. Chúng ta sẽ trả lời thế nào trước câu hỏi "sao bảo giành lại vỉa hè cho người đi bộ ?" mà nhiều người đang ngơ ngác hỏi nhau?
Bình luận (0)