Cho ý kiến 5 dự án luật

17/04/2008 13:43 GMT+7

Sau khi khai mạc phiên họp, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu đã thảo luận cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của 5 dự án: Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Luật trưng mua, trưng dụng tài sản; Luật hoạt động chữ thập đỏ; Luật năng lượng nguyên tử.

Sáng 17.4, tại Hà Nội, đã khai mạc phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã nêu lên những công việc sẽ làm tại phiên họp thứ 8.

Tại phiên họp lần này, các đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến vào 13 dự án luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XII; trong đó 10 dự án luật sẽ được thảo luận thông qua tại kỳ họp tới và 3 dự án luật cho ý kiến lần đầu.

Các đại biểu sẽ nghe báo cáo và cho ý kiến về các vấn đề quan trọng như điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và một số tỉnh; việc thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở TP.HCM và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở có thời hạn tại Việt Nam; nghe Chính phủ và các Ủy ban liên quan của Quốc hội báo cáo bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007; tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2008; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006...

Hoạt động giám sát của Quốc hội sẽ tập trung vào hai nội dung là nghe Chính phủ và Đoàn giám sát báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác xã hội hóa chăm sóc sức khoẻ nhân dân và việc thực hiện pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tại phiên họp này , Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XII.

Sau khi khai mạc phiên họp, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu đã thảo luận cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của 5 dự án: Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Luật trưng mua, trưng dụng tài sản; Luật hoạt động chữ thập đỏ; Luật năng lượng nguyên tử.

Cho ý kiến về Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, đại biểu Trần Đình Đàn (Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) có quan điểm đề nghị quy định vấn đề này theo hướng cơ quan nhà nước không được sử dụng tài sản nhà nước để cho thuê hoặc thực hiện các hoạt động kinh doanh khác. Đại biểu cho rằng nếu cho phép cơ quan nhà nước cho thuê tài sản nhà nước sẽ đồng nghĩa với việc cho phép các cơ quan này kinh doanh, không đúng với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, không đúng với mục đích của việc đầu tư, trang bị tài sản. Đối với đơn vị sự nghiệp và tổ chức chính trị xã hội có thể không cần quy định "cứng" như cơ quan nhà nước nhưng cũng cần có những quy định thật cụ thể để sử dụng tài sản có hiệu quả.

Có cùng quan điểm như trên, đại biểu Hà Văn Hiều (Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế) nhấn mạnh thêm một ý khác, đó là có những loại tài sản như hội trường nếu không cho thuê sẽ rất lãng phí. Từ ví dụ này, đại biểu cho rằng cần nghiên cứu quy định cụ thể về những loại tài sản nào thì được phép cho thuê, tránh tình trạng lãng phí. Tuy nhiên, đại biểu cũng nhấn mạnh không khuyến khích việc cho thuê nhưng cần có hướng dẫn, quy định cụ thể đối với một số loại tài sản nhất định.

Cho ý kiến về dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), về nội dung việc ban hành nghị định quy định những vấn đề mới, cần thiết để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật, pháp lệnh, đại biểu Lê Quang Bình (Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh) tán thành với quan điểm không nên tiếp tục quy định việc ban hành loại nghị định này. Đại biểu cho rằng quy định này chỉ phù hợp trong điều kiện hệ thống pháp luật còn thiếu nhiều văn bản điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là khả năng thông qua luật của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhưng đến nay, tình hình đã có những chuyển biến đáng kể, hệ thống pháp luật về cơ bản đang từng bước được hoàn thiện, năng lực lập pháp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được nâng cao có thể đáp ứng được các yêu cầu trong điều kiện hiện nay.

Cũng nằm trong Luật này, về nội dung việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, đại biểu Lê Quang Bình đề nghị nên bỏ hình thức văn bản quy phạm pháp luật loại này và cho rằng có như vậy mới xác định được rạch ròi trách nhiệm của từng cơ quan ban hành văn bản. Những vấn đề cần điều chỉnh thuộc trách nhiệm chính của cơ quan nào thì cơ quan đó ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh sau khi đã lấy ý kiến của cơ quan hữu quan. Trường hợp nội dung cần điều chỉnh liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ không xác đinh được trách nhiệm chính thì Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh.

Đối với Luật trưng mua, trưng dụng tài sản, đại biểu Hà Văn Hiền tán thành quan điểm của Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng các điều kiện trưng mua, trưng dụng quy định trong dự thảo quá rộng, chưa hoàn toàn phù hợp và rộng hơn với các quy định của Hiến pháp. Đại biểu Lê Quang Bình cho rằng cần cân nhắc việc trưng mua, trưng dụng tài sản khi đất nước gặp chiến tranh, dịch họa....

TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.