Choáng với giá vật liệu xây dựng

Đình Sơn
Đình Sơn
12/04/2022 06:02 GMT+7

Giá các loại vật liệu xây dựng tăng mạnh, tăng liên tục đã khiến cho chủ đầu tư các dự án bất động sản , đặc biệt là nhà thầu xây dựng choáng váng.

Kéo dài, nhà thầu nguy cơ phá sản

Ngược lại với biến động của thế giới, tại thị trường VN giá thép ngày 11.4 tiếp tục duy trì ở mức cao.

Cụ thể, giá thép cuộn CB240 Hòa Phát ở miền Bắc ở mức 18.940 đồng/kg, giá thép thanh vằn D10 CB300 là 19.040 đồng/kg. Ở miền Trung và miền Nam từ 18.890 - 19.090 đồng/kg. Thép Việt Ý hiện giữ nguyên giá bán với giá thép cuộn CB240 ở mức 18.890 đồng/kg, giá thép thanh vằn D10 CB300 là 18.990 đồng/kg. Các thương hiệu khác như thép Việt Đức, thép Việt Nhật, Pomina, với dòng thép cuộn CB240 bình ổn ở mức 19.380 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 có giá 19.580 đồng/kg. Tại miền Nam, giá thép cũng duy trì ở mức rất cao.

Nhiều nhà thầu, chủ đầu tư dự án bị tác động mạnh bởi giá vật liệu xây dựng tăng

Đình Sơn

Không chỉ sắt thép, theo ông Nguyễn Đình Năm, một người kinh doanh vật liệu xây dựng, hiện giá các loại xi măng cũng tăng mạnh. Trong đó xi măng Hà Tiên giá 91.000 đồng/bao, xi măng Long Sơn 87.000 đồng/bao, các loại xi măng khác 85.000 - 87.000 đồng/bao. Mức giá này tăng so với hồi cuối tháng 3.2022 bình quân khoảng 4.000 - 5.000 đồng/bao tùy thương hiệu. Gạch men các loại cũng tăng phi mã, từ 50.000 - 90.000 đồng/m2 so với trước Tết Nguyên đán 2022; tấm nhựa giả gỗ lót sàn từ 145.000 tăng lên 185.000 đồng/m2; sàn gỗ công nghiệp từ 300.000 tăng lên 350.000 đồng/m2; sơn nước tăng từ 1,2 lên 1,4 - 1,7 triệu đồng/thùng. Các mặt hàng trang trí nội thất cũng “đùng đùng” tăng giá từ 25 - 45% tùy theo từng mặt hàng.

Vật liệu xây dựng tăng phi mã khiến các nhà thầu đứng ngồi không yên. Ông Lê Viết Hải, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN, lo ngại tình trạng này nếu cứ kéo dài các công ty xây dựng có khi phá sản, do giá lên đột ngột không thể điều chỉnh kịp giá chào thầu, cũng không điều chỉnh kịp giá thầu. Hiện đối với các dự án mới, các nhà thầu chọn phương án tốt nhất là ký hợp đồng có trượt giá, tăng tính tăng, giảm tính giảm. Nhưng các chủ đầu tư ít ai chịu và thường chốt một mức giá cố định.

“Cũng có chủ đầu tư sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ khoảng 50% trượt giá, nhưng con số này rất nhỏ. Thế nên khi vật giá leo thang, không ít nhà thầu rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu tiếp tục thi công thì càng làm càng lỗ, ngược lại không làm sẽ bị mất uy tín, bị phạt hợp đồng, phạt chậm tiến độ”, ông Hải nói.

Bất động sản rục rịch tăng theo

Vật liệu xây dựng tăng ảnh hưởng lớn tới giá thành xây dựng, giá bất động sản. Bà Nguyễn Thái Hà, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Thăng Long - chủ đầu tư dự án Fiato (TP.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết chỉ riêng sắt thép giá đã tăng khoảng 30% so với thời điểm cuối năm 2021. Mức tăng của các loại vật liệu xây dựng khác cũng tăng mạnh, tác động đến giá thành căn hộ. Mỗi căn hộ giờ đây phải cộng thêm khoảng mấy chục triệu đồng.

“Hiện chúng tôi đang mở bán các căn hộ tại dự án Fiato với mức giá không thay đổi so với trước. Nhưng giai đoạn sau giá sẽ phải điều chỉnh để bù việc tăng giá của vật liệu xây dựng. Tính từ đầu năm đến nay, giá thép trong nước đã có 4 lần được điều chỉnh tăng, gây choáng váng cho nhà thầu cũng như chủ đầu tư”, bà Hà thừa nhận.

Ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty LDG - chủ đầu tư hàng loạt dự án bất động sản ở các tỉnh phía nam, tính toán từ đầu năm 2022 đến nay giá vật liệu xây dựng tăng bình quân khoảng 10% so với thời điểm cuối năm 2021. Tại các dự án do LDG làm chủ đầu tư, nhà thầu xin hỗ trợ trượt giá và các bên ngồi lại với nhau để giảm tiến độ, hỗ trợ nhà thầu.

“Đại dịch gần 1 năm đã làm cho các dự án chậm tiến độ. Nay với việc tăng giá của hầu hết các loại vật liệu xây dựng, nếu chủ đầu tư không hỗ trợ nhà thầu thì nguy cơ dự án sẽ còn chậm thêm. Chính vì vậy chúng tôi buộc phải hỗ trợ và khi đó chắc chắn sẽ điều chỉnh giá. Thực tế các dự án gần đây quảng cáo đều điều chỉnh giá tăng 10 - 15% so với dự kiến. Đáng lo ngại là giá vật liệu xây dựng vẫn đang có dấu hiệu tăng nữa khi dịch bệnh tại Trung Quốc tăng mạnh, chiến tranh giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại, điều này đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Nếu đúng như vậy, giá bất động sản cũng sẽ phải tăng theo chứ không có cách nào khác”, ông Hưng dự báo.

Theo Cushman & Wakefield (tập đoàn toàn cầu chuyên cung cấp dịch vụ bất động sản), trong quý 1/2022, bình quân giá nhà chung cư mới chào bán tại TP.HCM đạt 3.300 USD/m2 (tương đương 75,4 triệu đồng), tăng 27% theo năm. Giá bán nhà ngày càng cao, nhưng sức tiêu thụ trong quý 1 giảm 20% so với quý trước đó và giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân của việc giá bất động sản tăng được lý giải bởi giá đất, chi phí vật liệu xây dựng leo thang, thời gian hoàn thành thủ tục pháp lý kéo dài. Thêm vào đó, thị trường đón nhận nhiều sản phẩm thuộc phân khúc hạng sang, thậm chí siêu sang, đã thúc đẩy giá nhà trung bình toàn thị trường lập đỉnh.

Trước tình trạng giá vật liệu xây dựng tăng liên tục, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh đã ký văn bản yêu cầu các địa phương vào cuộc ngăn đầu cơ, thổi giá, công bố kịp thời đơn giá vật liệu sát với thị trường để hỗ trợ các nhà thầu. Bởi nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ gây khó khăn, vướng mắc cho công tác lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng, ảnh hưởng tiến độ thực hiện và công tác giải ngân của các dự án.

Rà soát mức đầu tư dự án do giá vật liệu tăng cao

Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án rà soát tổng mức đầu tư các dự án khởi công mới trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Trong quá trình hoàn thiện thủ tục để quyết định đầu tư các dự án, một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án phản ánh giá nhiên liệu, vật liệu thi công tăng cao đột biến thời gian gần đây dẫn tới tổng mức đầu tư trình duyệt vượt quá tổng mức đầu tư trong quyết định chủ trương đầu tư, không bảo đảm điều kiện quyết định đầu tư dự án.

Do đó, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án rà soát, cập nhật tổng mức đầu tư bước dự án đầu tư theo giá cả tại thời điểm hiện nay. Trường hợp tổng mức đầu tư dự án vượt quá tổng mức đầu tư đã phê duyệt trong quyết định chủ trương đầu tư, các đơn vị đề xuất giải pháp xử lý theo hướng tạm dừng chủ trương đầu tư các dự án chưa quá cấp thiết để tập trung nguồn vốn triển khai các dự án cấp bách, trọng điểm. Đồng thời phân kỳ, điều chỉnh phạm vi, quy mô dự án hoặc lồng ghép với nguồn vốn ngân sách địa phương, bảo đảm phần vốn ngân sách T.Ư trong tổng mức đầu tư bước dự án đầu tư không vượt quá phần vốn ngân sách T.Ư trong tổng mức đầu tư tại quyết định chủ trương đầu tư.

Đối với các dự án chưa được quyết định chủ trương, Bộ GTVT yêu cầu rà soát, cập nhật sơ bộ tổng mức đầu tư bước chủ trương đầu tư theo giá cả tại thời điểm hiện nay.

Trường hợp nhu cầu vốn dự kiến bố trí để thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 lớn hơn mức vốn đã dự kiến phân bổ trong kế hoạch trung hạn của dự án: Các đơn vị rà soát lại đề xuất về phạm vi, quy mô dự án, kiến nghị phương án phân kỳ đầu tư hoặc lồng ghép với nguồn vốn ngân sách địa phương khi trình duyệt chủ trương đầu tư, bảo đảm nhu cầu vốn ngân sách T.Ư thực hiện dự án trong giai đoạn không vượt quá mức vốn đã dự kiến phân bổ trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.